4 học sinh tụ tập sử dụng ma túy: "Phát hiện vết trên nền xi măng trước khi quá muộn"
Từ vụ việc 4 học sinh bị bắt quả tang sử dụng ma túy, chuyên gia khuyên "cha mẹ hãy sống chậm, lắng nghe con, quan sát phát hiện một vết trên nền xi măng để chỉnh sửa trước khi quá muộn".
Ngày 25/4, 4 học sinh ở Hải Dương đã bị bắt quả tang đang dùng ma túy. Theo Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hải Dương, trong số 4 em có 2 em sinh năm 2006.
4 học sinh bị bắt quả tang sử dụng ma túy. Vụ việc như một tiếng chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện đây là loại ma túy dạng lỏng mới xuất hiện trên thị trường với nhiều màu sắc và mùi vị khác nhau. Các nam sinh này mua chất lỏng nói trên ở chợ. Sau đó, tẩm vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút.
Đây không phải là chuyện hi hữu xảy ra trong học đường. Vụ việc khiến dư luận lo ngại những cám dỗ, cạm bẫy tấn công học sinh hiện nay như ma túy, bóng cười, game, bạo lực...
"Cái con cần không phải là 3-5 triệu đồng"
Anh Phạm Ngọc Anh, chuyên gia huấn luyện phát triển cá nhân và tư vấn phát triển tổ chức chia sẻ: "Quay trở lại bối cảnh trẻ con ngày xưa, các em không có cơ hội tiếp cận thông tin, cái xấu. Cách đây 20, 30 năm chúng tôi chỉ quanh quẩn những trò chơi đánh đáo, những trò vận động. Chúng tôi sống trong môi trường rất thuần. Bố mẹ có bận thả rông chúng tôi thì cũng lo bị sa đà".
Môi trường ngày nay lại khác, chúng ta đang sống trong xã hội nhiễu loạn thông tin và đòi hỏi lớn hơn sự giám sát của cha mẹ với con cái. Đặc biệt là những đứa trẻ ở giai đoạn tuổi 9-15 tuổi. Trẻ con cũng như sợi dây đồng, càng nhỏ càng dễ uốn nắn. Để con lớn một cách tự nhiên dễ bị môi trường xấu tác động".
Anh Phạm Ngọc Anh đang chia sẻ với một bà mẹ về việc nuôi dạy con cái.
Anh Ngọc Anh cho rằng, trẻ rất dễ học theo những tấm gương xấu, cái xấu, điển hình như vụ 4 học sinh dùng ma túy trên.
Chuyên gia này nói: "Cha mẹ đáng lẽ phải kiểm tra nguồn cơn đến từ đâu nhưng lại lao vào vòng xoáy mải mê kiếm tiền. Cứ nghĩ việc kiếm tiền thiết yếu, con đến trường là xong mà cha mẹ không biết mỗi ngày, mỗi giờ con đang tiếp cận thông tin độc hại nhiều hơn là tích cực. Trong khi đó, ở lứa tuổi này các em rất thích thể hiện bản thân. Chỉ có 2 cách thể hiện là học giỏi và thể hiện bản thân vì vậy các em muốn làm gì đó thật ngầu.
Dạy con cũng giống như đổ sàn bê tông, mình cắm khuôn hình bông hoa thì sau vài tiếng thành bông hoa, mình cắm đầu lâu thì nó ra hình đầu lâu. Cha mẹ không kiểm soát được đó là bông hoa hay đầu lâu nên theo sát diễn tiến để chỉnh sửa trước khi nền xi măng khô.
Thực tế các con rất đáng thương. Cha mẹ nghĩ cứ vứt cho con 3 triệu, 5 triệu mà không thèm quan tâm con. Cha mẹ không biết rằng sự quan tâm là đối thoại, hỏi han, là chia sẻ với con hàng ngày. Mỗi khi con nói gì thì cha mẹ lại gạt đi cho rằng chuyện trẻ con, đồ dở hơi".
Cuối cùng, anh Ngọc Anh nhấn mạnh: "Cha mẹ đừng chủ quan, đừng nghĩ con có ăn, có mặc, được đi học là ổn. Nhu cầu của con nằm ở tâm sinh lý nên cha mẹ hãy sống chậm, lắng nghe con, quan sát phát hiện một vết trên nền xi măng để chỉnh sửa trước khi quá muộn không làm gì được nữa".
Theo anh Ngọc Anh, cha mẹ không thể cấm con xem Youtube, Tiktok. "Một Youtuber lên mạng nói rằng việc gì phải học, sau này học hết lớp 9 là được rồi. Anh nghỉ học sớm mà hàng tháng anh kiếm mấy trăm triệu. Người ta nói như vậy không sai nhưng con cái chúng ta sẽ nghe theo. Vậy là cha mẹ sẽ làm thế nào?", anh Ngọc Anh chất vấn. |