Xây đường ống dẫn nước xả thải dài hơn 50 km, hồi sinh sông Tô Lịch
Hiện nay, hàng trăm cống xả đang xả thải trực tiếp ra dòng sông Tô Lịch, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhà chức trách đang tính đến phương án xây đường ống nước xả thải dài hơn 50 km nhằm hồi sinh sông Tô Lịch.
Đường ống dẫn nước xả thải dài hơn 50 km, hồi sinh sông Tô Lịch đã được khởi công.
Theo nguồn tin của báo Tiền Phong, ngày 18/5, BQLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội đã khởi công lắp đặt các ống cống dẫn nước từ sông Tô Lịch về nhà máy Yên Xá. Tổng chiều dài ống cống hơn 50km, dự kiến sẽ giải quyết tận gốc vấn đề nước sông Tô Lịch.
Tổng chiều dài các đường ống cống thu gom nước thải là 52,66km, toàn bộ lưu vực nước 4.800 ha và nước thải của gần 1 triệu hộ dân sẽ được thu gom xử lý sau khi hệ thống hoàn thành.
Hiện nay, hàng trăm cống xả đang xả thải trực tiếp ra dòng sông Tô Lịch, gây ô nhiễm nghiêm trọng. PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường nhận định: Theo quy định việc xử lý nước thải xả lại ra sông Nhuệ, sông Tô Lịch chỉ cần mức B QCVN, tuy nhiên công nghệ xử lý của Nhà máy Yên Xá đã đạt được đến mức A.
Tất nhiên, việc nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động sẽ chưa thể làm xanh dòng sông ngay được, nhưng khoảng 6 tháng và từ đó trở đi chúng ta có thể mong đợi nước các dòng sông sẽ hồi sinh”, PGS.TS Trần Đức Hạ nói với phóng viên báo Tiền phong.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQLDA cho biết, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được căn bản phần gốc của vấn đề xử lý nước thải cho các dòng sông Tô Lịch, sông Lừ, một phần quận Hà Đông và khu đô thị mới.
Để đảm bảo tiến độ dự án, giá trị của sông Tô Lịch, ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị nhà thầu khẩn trương hoàn thiện phương án thi công theo hợp đồng đã ký, từ đó báo cáo tư vấn để kiểm tra, rà soát, đảm bảo theo tiến độ đề ra, theo báo Kinh tế & Đô thị.
Ngoài ra, nhà thầu phải thường xuyên cập nhật, thống nhất với tư vấn để đảm chất lượng của dự án. Đối với các hạng mục cần có sự điều chỉnh phải tính toán kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để không làm ảnh hưởng đến các giá trị lịch sử, tâm linh của sông Tô Lịch.
Đối với liên danh tư vấn, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch, sắp xếp đủ nhân lực, đảm bảo chất lượng, tiến độ cho gói thầu số 2 nói riêng và các gói thầu khác đúng tiến độ đề ra.
GS sử học Lê Văn Lan nhận định, việc cải tạo dòng sông Tô Lịch mang ý nghĩa lớn lao cho Hà Nội, bởi Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của kinh thành Thăng Long xưa.
Dòng sông có ý nghĩa tâm linh to lớn. Do đó, mọi hoạt động đều phải quan tâm đến vấn đề tâm linh. Từ nhiều năm trước, đã có các dự án “hồi sinh” dòng sông này, nhưng GS Lan đánh giá: Đây mới là công trình mang tính tổng hợp, đầu tư quy mô, lần đầu được triển khai.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Shimizu Akira – Trưởng Văn phòng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đánh giá cao những biện pháp mà Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội đã thực hiện để đảm bảo tiến độ của dự án.
Ông Shimizu Akira đề nghị đơn vị thi công thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, tuân thủ nghiêm theo những biện pháp, hướng dẫn của JICA về các vấn đề môi trường và xã hội. Có những hỗ trợ cần thiết đối với nhà thầu, tư vấn để dự án triển khai thuận lợi.
Trước tình trạng ô nhiễm ở sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng này. Có thể kể đến vào năm 2014, Sở TN&MT đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn trước khi thải ra sông.
Cuối năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Sau đó là Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản hay Redoxy3C… Tuy nhiên, đa số các phương án chỉ xử lý được hiệu quả trong một khu vực hoặc một khoảng thời gian nhất định. Dự án 16.000 tỷ xử lý nước thải được cho là một giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề.