WHO cảnh báo nguy cơ tái bùng phát Covid-19 khi dỡ phong tỏa
Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng việc nới lỏng hạn chế phải được thực hiện từ từ để tránh nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh Covid-19.
Khuyến cáo được đưa ra trong buổi họp sáng 21/4. Ông Takeshi Kasai, giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương, nhận định biện pháp giãn cách xã hội đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Người dân làm quen với lệnh hạn chế trong khi nhà chức trách các nước ráo riết giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 và kiểm soát sự lây lan của virus.
Song ông cho rằng quá trình nới lỏng quy định này cần được thực hiện một cách từ từ để tránh dịch bùng phát trở lại, theo Vnexpress.
Kasai nhận định cho đến khi các nhà khoa học phát triển thành công loại vaccine an toàn và hiệu quả, người dân các nước cần học cách thích nghi với dịch bệnh.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo về "làn sóng thứ hai" của Covid-19 nếu nới lỏng lệnh hạn chế, mở cửa lại nền kinh tế. Hồi chuông cảnh báo vang lên mạnh mẽ khi Singapore ghi nhận số ca bệnh tăng đột biến. Virus xuất hiện trở lại trong một khu nhà ở chật chội của hàng nghìn lao động nước ngoài. Vào đầu dịch, quốc gia này từng được ca ngợi về công tác kiểm soát và không chế nCoV. Singapore giờ trở thành vùng dịch lớn nhất của Đông Nam Á trong khi tình hình khu vực dần khả quan hơn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bày tỏ lo ngại đối với việc dỡ bỏ tình trạng phong tỏa. Ông cho rằng cần cẩn trọng với các quyết định ở thời điểm này.
Việt Nam cũng sẽ nới lỏng từng bước biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát đúng mức để tránh tình trạng chủ quan, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 20/4 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19. Tùy theo diễn biến dịch bệnh, các nhóm địa phương (nguy cơ cao, nguy cơ, nguy cơ thấp) sẽ được xem xét, điều chỉnh; nếu tình hình an toàn nhiều địa phương có thể được hạ thấp nguy cơ.
Theo cập nhật của Tuổi trẻ về dịch bệnh Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á, Singapore xác nhận số ca COVID-19 tăng từ 8.014 lên 9.125 trong ngày 21-4. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng vừa lên truyền hình lúc 17h giờ địa phương, thông báo gia hạn việc giãn cách xã hội thêm đến 1-6 thay vì 4-5 như ban đầu.
Bộ Y tế Philippines ngày 21/4 ghi nhận thêm 9 ca tử vong và 140 ca nhiễm mới. Cơ quan này cho biết số người chết vì COVID-19 tại Philippines hiện là 437, trong khi số ca nhiễm là 6.599. Tuy nhiên, 41 bệnh nhân mới hồi phục đã nâng số ca được chữa khỏi ở đây lên 654.
Bộ Y tế Malaysia ngày 21/4 ghi nhận thêm 57 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 5.482, trong khi đó 3 trường hợp tử vong mới đã đưa tổng số người chết vì dịch bệnh tại đây lên 92.
Indonesia cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng thêm 275 lên 7.135, đồng thời số trường hợp tử vong tăng thêm 26 lên 616 người.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/4, 193 nước thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết, theo đó kêu gọi cách tiếp cận "công bằng, hiệu quả và kịp thời" đối với bất kỳ loại vaccine nào trong tương lai được phát triển để phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nghị quyết trên cũng nêu bật "vai trò đi đầu then chốt" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan đang vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ và các nước phương Tây về cách giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19 gây ra.
Đây là nghị quyết thứ hai của Đại hội đồng LHQ về dịch COVID-19. Nghị quyết đầu tiên được Đại hội đồng LHQ thông qua hồi đầu tháng này cũng kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.