Thực hư về loại thuốc 'thổi bay' nồng độ cồn cho dân nhậu

07-01-2020 07:33:20

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã lên tiếng trước nhưng thông tin lan truyền trên mạng về loại sản phẩm uống xong có thể giúp xả nhanh cơn say và hỗ trợ giảm nồng độ cồn.


Một sản phẩm được rao bán trên mạng với lời quảng cáo giúp giảm cơn say và giảm lượng cồn trong cơ thể.

Những ngày qua, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và kẹo được quảng cáo giúp "tẩy nhanh nồng độ cồn", "giải rượu bia thần tốc", "xả nhanh lượng cồn, hỗ trợ giảm nhanh cơn say"...

Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế khẳng định, hiện chưa có sản phẩm dược nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng "thổi bay" nồng độ cồn. Ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này.

Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.

Theo chuyên gia ngành Dược, trên thực tế có một số thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hoá, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này phải chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa (nghiện rượu, ngộ độc…) với sự chỉ định của bác sĩ. Quá trình sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khỏe.


CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế tại Hà Giang.

Khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020, nhiều người băn khoăn việc nếu mình uống rượu, bia thì sau bao lâu có thể điều khiển phương tiện và tham gia giao thông bình thường.

Trả lời câu hỏi này, Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế,  đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia cho biết, không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là uống rượu bia sau bao lâu được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể bởi việc này phụ thuộc vào lượng rượu, bia người đó uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.

Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa. Với những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì sẽ mất thời gian lâu hơn.

Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai, lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Như vậy nếu một người khỏe mạnh, không có bệnh lý gì kèm theo, khi uống 1 đơn vị cồn phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe.

Theo khuyến cáo của bà Trang, tốt nhất là không nên uống rượu bia. Nếu có uống, nên hạn chế ở mức nguy cơ thấp. Con số mà WHO đưa ra là nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. Tuy nhiên với thể trạng thấp bé của người Việt Nam, để an toàn, lượng cồn tiêu thụ cần phải thấp hơn cả mức trên.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //