Thông tin mới nhất vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở Nhiệt điện Vĩnh Tân
Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường về việc nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Theo văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng từ Văn phòng Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép nhận chìm ở biển Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định của pháp luật
Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận theo chỉ đạo của Thủ tướng ngày 24/7.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin về việc nhận chùm 1 triệu m3 bùn thải ở Nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh Tiền Phong
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào ngày 3/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cũng đã có những câu trả lời liên quan về vấn đề này. Vừa qua, Bộ đã tiếp cận theo luật Tài nguyên Môi trường biển, làm chặt chẽ hơn trên cơ sở xem xét lại toàn bộ báo cáo cũ dưới góc độ môi trường, đánh giá tác động đối với các hệ sinh thái biển.
Liên quan đến việc cấp giấy phép nhận chìm chất thải, Bộ trưởng Hà cho biết đã xem xét theo nhiều bước, dựa trên quy định pháp luật và các cơ sở khoa học xác đáng. Trước đó, ngày 23/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 1 triệu m3 bùn được nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Sơ đồ khu vực nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh Tri Thức Trực Tuyến
Được biết, khu vực cấp phép nằm gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.
Đây là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh.
Vì thế, dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu lượng bùn bị nhận chìm này có gây ảnh hưởng tới những quần thể san hô cũng như các loài thủy sinh vật sống ở đây hay không.
Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN
//