Sự thật dịch tả lợn châu Phi lây bệnh cho người gây hoang mang

07-03-2019 19:37:41

Gần đây khi thông tin về dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại nhiều tỉnh thành, trên mạng xã hội đã lan truyền nhiều thông tin thất thiệt. Trong đó có hình ảnh nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu do ăn lợn nhiễm virus khiến dư luận hết sức hoang mang.

Sự thật về thông tin về 2 bệnh nhân nhập viện do ăn thịt lợn nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi


Hình ảnh chụp từ facebook của tài khoản tên Ái Hồng.

Trên một trang facebook có tên Ái Hồng (có hơn 22.000 người theo dõi) xuất hiện hình ảnh 2 bệnh nhân phải nằm viện với nhiều vết tím bầm, xuất huyết dưới da với cảnh báo những người này bị bệnh do ăn phải lợn nhiễm virus và kêu gọi mọi người tẩy chay thịt lợn.

Bài viết đã nhận được hàng trăm bình luận và cả ngàn lượt chia sẻ. Nhiều người bình luận tỏ ra hoang mang, lo sợ đồng thời nhắc nhở người thân của mình không nên ăn thịt lợn.

Không chỉ riêng tài khoản tên Ái Hồng mà có hàng trăm tài khoản khác đã đăng tải nhưng nội dung tương tự như trên lên các hội nhóm, các diễn đàn khiến thông tin lan truyền ngày càng nhanh.

Nhiều bà nội trợ cũng chia sẻ tâm lý e ngại và lo lắng không biết nên lựa chọn thực đơn cho gia đình thế nào khi dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, thậm chí có trường hợp, cả gia đình không dám ăn thịt lợn suốt nửa tháng nay vì lo lây bệnh.


Đàn lợn của một gia đình ở Hưng Yên chuẩn bị tiêu hủy do nghi mắc dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Kế Toại.

Trên thực tế theo tìm hiểu của phóng viên, những hình ảnh trên là của 2 bệnh nhân ở Hà Giang bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh. Những hình ảnh này cũng được chụp từ 2018. 

Bệnh nhân nam là Lừu Văn Xuân (47 tuổi, ở thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, Hà Giang), còn bệnh nhân nữ là Phàn Thị Bây (19 tuổi, ở thôn Nậm An, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, Hà Giang).

Hai bệnh nhân này sau khi ăn tiết canh lợn nhà nuôi thì xuất hiện sốt, mệt mỏi, đau bụng, tê bì tay chân, xuất hiện các mảng thâm tím trên người. Khi nhập viện vào BVĐK tỉnh Hà Giang cả 2 bệnh nhân được chẩn đoán là bị sốc nhiễm trùng nhiễm độc thể tối cấp do nhiễm liên cầu khuẩn lợn gây ra. 

Hai bệnh nhân này mắc bệnh từ cách đây 1 năm và không hề liên quan đến bệnh dịch tả lợn Châu Phi như thông tin trên một số tài khoản mạng xã hội đã đưa.


Hình ảnh do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Giang đưa tin về 2 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh.

Dịch tả lợn Châu Phi có gây bệnh trên người hay không - Lời giải đáp từ chuyên gia

Về phía các cơ quan chức năng, trước những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khẳng định, dịch tả lợn Châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Theo TS. Trần Đắc Phu, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là vi rút African swine fever virus (ASFV), khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn.

"Kể cả khi con người có tiếp xúc với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người", ông Phu khẳng định.

Cũng theo đại diện Cục Y tế dự phòng, tuy bệnh tả lợn châu Phi không gây hại trên người nhưng lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi có thể mắc thêm những bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm...

Những bệnh này lại có thể gây hại cho sức khỏe con người nếu người dân ăn phải các sản phẩm từ lợn bệnh chưa được nấu chín kỹ.


Theo các chuyên gia y tế dự phòng, cách tốt nhất là nấu chín kỹ thịt trước khi ăn để phòng bệnh và đảm bảo vệ sinh.

Theo nghiên cứu của tạp chí Vi sinh học Thú y (Veterinary Microbiology - Thụy Sĩ), virus ASFV gây dịch tả lợn Châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

Do đó, chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng để đảm bảo vệ sinh, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh…

Về phía người chăn nuôi nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp sinh học như rải vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch. Hạn chế tránh đi vào vùng dịch, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng.


Xem thêm clip: ​Phòng ngừa nhiễm giun đường ruột ở trẻ em.

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //