Phát hiện chất béo ngay trong cơ thể con người có khả năng tiêu diệt tế báo ung thư

15-07-2020 09:46:42

Đây là một axit béo không bão hòa được tìm thấy trong cơ thể con người, được sinh ra khi cơ thể phân giải các dạng chất béo khác mà người đó ăn vào.

Sự kiện:
ung thư

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Developmental Cell, một loại axit béo mang tên dihomogamma-linolenic acid (DGLA) có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư ở người.

Theo đó, DGLA là 1 loại chất béo bão hòa đa được tìm thấy trong cơ thể con người với lượng nhỏ. Thông thường, DGLA được chúng ta nạp vào cơ thể thông qua bữa ăn. So với nhiều loại axit béo khác như omega-3, hiện các nghiên cứu về DGLA vẫn rất hạn chế.

DGLA có thể gây ra ferroptosis, một quá trình chết tế bào phụ thuộc vào sắt và được đặc trưng bởi sự tích lũy lipid peroxit, liên quan đến nhiều quá trình bệnh. Ferroptosis khác biệt về mặt di truyền và sinh hóa so với các dạng chết theo lập trình khác như apoptosis. 

Ferroptosis được khởi đầu bởi sự bất hoạt của các chất bảo vệ chống oxy hóa phụ thuộc glutathione, dẫn đến peroxid hóa lipid không được kiểm soát và cuối cùng là gây chết tế bào.

Sau khi được khám phá, ferroptosis nhanh chóng trở thành tâm điểm của các nghiên cứu về bệnh học, bởi nó có liên quan đến chu trình của nhiều bệnh lý phổ biến, trong đó có ung thư.

DGLA có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư

PGS.TS Jennifer Watts, Đại học  Washington State và các cộng sự của mình đã có bước tiến lớn trong việc phát triển 1 cách tiếp cận mới trong điều trị ung thư, dựa trên ferroptosis.

Theo TS Jennifer Watts, nếu có thể đưa 1 lượng DGLA chính xác vào tế bào ung thư, chúng ta có thể kích hoạt quá trình ferroptosis và khiến tế bào ung thư bị chết. Loại chất béo có thể kích hoạt ferroptosis này cũng sẽ thay đổi cách tiếp cận của chúng ta đến nhiều bệnh lý khác như bệnh thận và các bệnh lý thần kinh.

Được biết, TS Watts đã nghiên cứu về các loại chất béo ăn được bao gồm cả DGLA trong gần 20 năm qua. Ông đã sử dụng 1 loại tuyến trùng có kích thước hiển vi mang tên Caenorhabditis elegans để làm vật thí nghiệm.

Trong nghiên cứu lần này, nhóm tác giả đã phát hiện ra rằng, khi cho C.elegans ăn DGLA, các tế bào mầm cũng như tế bào gốc tạo ra tế bào mầm của những con tuyến trùng này đã bị chết đi theo cách có nhiều điểm tương đồng với ferroptosis. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận khi thí nghiệm được thực hiện trên tế bào con người.

Phương pháp đã chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm động vật và thử nghiệm trên các tế bào ung thư của con người. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tiến tới thử nghiệm lâm sàng, tức trực tiếp trên bệnh nhân ung thư. Phương pháp có thể nhắm tới khối u của rất nhiều loại bệnh ung thư khác nhau.

Nhóm tác giả kì vọng rằng, kết quả nghiên cứu này sẽ là tiền đề cho phương pháp điều trị ung thư hiệu quả và ít gây tổn hại cho cơ thể. Ngược lại, bằng cách ức chế tác động gây chết tế bào của DGLA, dựa vào 1 nhân tố nào đó như chất béo ether đã được đề cập ở trên, chúng ta có thể chặn đứng việc các tế bào thần kinh bị chết đi do lão hóa hoặc các bệnh lý.

Hiện nghiên cứu đã được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cung cấp khoảng tài trợ 1,4 triệu USD để tiếp tục phân tích sâu hơn cơ chế tác động của DGLA lên cơ thể người.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //