Những sự thật 'chưa từng kể' về cuộc sống du học Úc
Trở thành du học sinh là ước mơ của không ít bạn trẻ, thế nhưng, nó không thực sự màu hồng như viễn tưởng của nhiều người. Thậm chí, những nhọc nhằn nơi đất khách còn không ít người bỏ cuộc...
Để có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống du học sinh, chúng tôi đã tìm đến anh Lê Tiến Đạt – cựu du học sinh đã trở về từ Úc.
Tấm bằng Tiến sĩ của Trường Swinburne là điều tự hào nhất!
- Xin chào anh, anh có thể giới thiệu qua về bản thân mình không?
Tôi là Lê Tiến Đạt. Tôi từng là du học sinh tại Úc 4 năm, hiện bây giờ tôi đã trở về Việt Nam sinh sống và làm việc sau khi bảo vệ xong luận án Tiến sĩ trường đại học Swinburne.
- Anh có thể chia sẻ về những thành tích nổi bật đạt được kể từ khi đặt chân đến nước Úc cho đến nay?
Tại Úc, tôi đã may mắn được làm trợ giảng cho Giáo sư Christopher suốt 4 năm học, những kinh nghiệm mà tôi tích lũy được trong quá trình làm trợ giảng đã giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn thành khóa luận và cầm trên tay tấm bằng Tiến sĩ của trường đại học Swinburne danh giá tại Úc. Đó chính là điều tôi cảm thấy tự hào và trân trọng nhất.
Hình ảnh anh Đạt những trong những tháng ngày tại Úc ngày đầu tại Úc
- Theo tôi được biết, anh đã nhận được học bổng toàn phần để làm luận án Tiến sĩ tại Úc, vậy tại sao anh chọn đại học Swinburne trong khi có rất nhiều sự lựa chọn khác?
Thú thật, ngay sau khi có thông báo nhận được học bổng toàn phần, tôi không mất quá nhiều thời gian để lựa chọn đại học Swinburne (Úc). Bởi, theo tôi được biết đây là trường đại học danh tiếng nằm trong Top 400 trường đại học tốt nhất thế giới, Top 10 trường đại học hàng đầu Úc với bề dày lịch sử hơn 100 năm. Chưa kể, Swinburne là đơn vị tài trợ cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Việt Nam từ những mùa đầu tiên.
"Cú sốc 6 tháng" và nỗi nhọc nhằn chưa từng kể của du học sinh
- Trong quá trình sinh sống và học tập tại Úc, anh có gặp khó khăn hay trở ngại gì không?
Tất nhiên rồi, điều này là không thể tránh khỏi đối với mỗi du học sinh tại Úc. Khó khăn thì muôn vàn luôn, kể cả ngày cũng không hết.
Thật ra lúc đầu tôi cũng mộng mơ kinh lắm, nào là tưởng tượng Kangaroo nhảy tưng bừng trên bãi cỏ, nào là thấy mình hội nhập với bạn bè bốn bể năm châu tham gia hội thảo rồi party này nọ, thế nhưng sang rồi mới biết các bạn ạ, đời đúng không phải cái gì cũng màu hồng như mình nghĩ.
Thời gian đầu, mọi thứ đều cảm thấy bế tắc và ngột ngạt vô cùng. Nhớ nhà lắm, cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, thèm được nghe tiếng người thân, thèm những món ăn quen... mới trỗi dậy. Tôi đã từng nghĩ - là đàn ông thì không được yếu lòng - thế nhưng, khi đi du học, sống nơi xứ người, tôi đã từng suýt rơi nước mắt vì… mùi trứng rán, rồi những đêm đi ra biên với bạn, chỉ xa xa về phía biển ‘nhà tao kìa’. Buồn cười phải không, nhưng đó là sự thật, tôi cũng chưa từng nghĩ bản thân sẽ rơi vào tình cảnh này trước đó, cho đến khi sang…
Thế nhưng, không chỉ nhớ nhà thôi đâu, việc học hành cũng sẽ khiến bạn cảm thấy áp lực và đau đầu đấy. Năm đầu, mỗi ngày tôi thậm chí chỉ cho phép mình ngủ 2 tiếng từ 6h30 cho đến 8h30, cả đêm cày trên thư viện vì sợ không theo kịp tiến độ. Sau một năm thì mọi thứ mới đỡ vất vả hơn.
Nỗi nhớ nhà và áp lực từ việc học là những khó khan mà những du học sinh đều phải trải qua
Tiếp theo là việc hội nhập với cuộc sống mới, quả thực không phải dễ dàng khi mọi thứ trước đó đã thành thói quen. Sang đây, rào cản về sự khác biệt văn hóa, phong tục, lối sống, ngôn ngữ… cũng khiến không ít du học sinh choáng ngợp, thậm chí sốc.
Cuối cùng là vấn đề tiền bạc, như mọi người cũng biết, du học đồng nghĩa với việc sẽ tốn kém. Dù được học bổng toàn phần, bản thân cũng có lương từ việc đi làm trợ giảng nhưng cũng không ít lần tôi rơi vào cảnh túng thiếu. Nhớ có lúc đi siêu thị, cầm khay thịt bò lên mà lại đặt xuống, vì nghĩ là phải tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất.
Cũng bởi vấn đề tiền bạc mà tôi biết, không ít du học sinh phải chật vật đi làm thêm. Có em thì hái nấm, có em làm ở trại gà, chuyện tai nạn gãy chân gãy tay không phải là hiếm.
Tất cả những khó khăn trên, du học sinh chúng tôi hay gọi là "cú sốc 6 tháng". Có người mạnh mẽ vượt qua, nhưng cũng có người không trụ được mà phải bỏ cuộc, về nước.
- Sau khi hoàn thành việc bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Úc, điều lớn nhất anh học được là gì?
Sự chuyên nghiệp và tử tế cả trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày. Đó chính là điều lớn nhất và quý giá nhất mà tôi học được suốt khoảng thời gian sinh sống và học tập tại nước Úc.
Việt Nam hiện là môi trường sinh sống và làm việc khá lý tưởng
- Sau khi học xong, anh có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế không và lý do gì khiến anh trở về Việt Nam lập nghiệp?
Về cơ hội việc làm tại môi trường quốc tế ư? Có chứ, thậm chí tôi có khá nhiều cơ hội, đặc biệt khi tốt nghiệp và cầm trên tay tấm bằng Tiến sĩ danh giá của Swinburne thì điều đó lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết.Tuy nhiên trở về hay không là do ở mỗi người chúng ta thôi.
Thú thật, đó là nguyện vọng ngay từ ban đầu của tôi nên sau khi hoàn thành xong việc học tại Úc tôi đã ngay lập tức trở về Việt Nam, tôi muốn gần gia đình cũng như muốn đóng góp phần sức lực nhỏ bé của mình cho quê hương.
Với nỗi nặng lòng với quê hương, anh Đạt mong muốn được đóng góp cho một phần sức lực của mình cho nền giáo dục nước nhà.
- Sau khi về Việt Nam sinh sống và làm việc anh có hài lòng với cuộc sống hiện tại hay không?
Đương nhiên rồi, về nơi mình sinh ra và lớn lên đã là điều tuyệt vời nhất rồi, hơn thế nữa Việt Nam lại là một môi trường sinh sống và làm việc khá lý tưởng. Được gần gia đình, bạn bè; được thỏa thích la cà phố sá, nhâm nhi tách cà phê buổi sáng mai. Điều đó thật tuyệt. Hơn nữa khi làm việc tại Việt Nam, tôi cảm thấy mọi thứ thật dễ chịu, mà cơ hội phát triển tại nước mình rất nhiều, không hề ít như nhiều người vẫn hay nghĩ đâu.
Anh Lê Tiến Đạt, Tiến sĩ Ngành quản trị Doanh nghiệp tại Đại học Swinburne (Úc)
- Đại dịch covid-19 diễn ra, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho người dân, còn có chính sách đón du học sinh và người nước ngoài về Việt Nam với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", anh nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ, đối với tất cả người dân Việt Nam, trong đó bao gồm cả các du học sinh, 2 từ “quê hương” luôn là một khái niệm rất thiêng liêng. Với các cá nhân thế hệ trước, khi luôn đau đáu hướng về quê nhà, thì tư tưởng “đi để trở về” luôn là hiện hữu. Với thế hệ sau này, rất may mắn đất nước đã phát triển nhanh, cơ hội cho hội nhập quốc tế cũng luôn là rộng mở. Cơ hội để được làm việc hay học tập môi trường quốc tế, ngay trên mảnh đất hình chữ S này đang ngày càng nhiều và tuyệt vời. Chính phủ Việt Nam cũng luôn tạo điều kiện cho người dân, cả về ý tế, giáo dục và các vấn đề xã hội khác. Đại dịch Covid này cũng làm củng cố thêm niềm tin của người dân vào thể chế chính trị, vào Đảng và nhà nước trong việc đảm bảo cuộc sống cho người dân, đảm bảo sự tiến bộ cho các con em Việt Nam.
Một điều thú vị nữa tôicũng từng thấy và rất tâm đắc, đó là rất nhiều các cán bộ nhà nước cấp cao hiện nay được đào tạo từ các trường quốc tế. Một tư tưởng rộng mở, một tầm nhìn rộng và xa, và điều này đang thể hiện ở việc cải cách giáo dục, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục.
Chọn đúng trường đại học sẽ giúp bạn có tương lai rộng mở và tươi sáng
- Theo anh, việc chọn đúng trường đại học quan trọng như thế nào với mỗi học sinh, sinh viên?
Chọn đúng trường sẽ giúp bạn có một tương lai rộng mở và tươi sáng, tất nhiên đến mức nào thì cũng phải tùy thuộc ở bạn, một trường đại học tốt sẽ không thể đào tạo và cho ra lò một con người tốt, một nhân tài có ích cho xã hội khi mà bản thân bạn không chịu cố gắng, nỗ lực.
Chọn sai trường, mất tiền, mất công sức, mất thời gian…rất nhiều thứ sẽ bị bỏ lỡ, vậy nên hãy cân nhắc để có lựa chọn đúng đắn và sáng suốt nhất.
- Vậy theo anh, yếu tố then chốt nhất để chọn một trường đại học là gì?
Thương hiệu, ranking của trường có cao không, các chương trình đào tạo của trường có cập nhật, hiện đại không, chất lượng giảng dạy và dịch vụ sinh viên có tốt không, các hoạt động khác của trường có được tổ chức để phát triển đa dạng phẩm chất, kỹ năng mềm cho sinh viên, môi trường học có an toàn, tiện lợi, hiện đại không… đó là những vấn đề tôi nghĩ cần quan tâm đến khi lựa chọn một trường đại học.
Với tôi, Swinburne là thương hiệu giáo dục hội tụ đầy đủ những yếu tố trên, đáng để đầu tư và học tập.
- Với tư cách là một cựu du học sinh, anh có lời khuyên gì cho các em sinh viên đang lựa chọn hay đã lựa chọn học tại chỗ hoặc du học nước ngoài hay không?
Bước ra thế giới là một sự trải nghiệm tuyệt vời. Vẫn nhớ chiều hôm trước đi du học, mẹ tôi hỏi "Sao con đi", lúc đấy chỉ biết nói thật "Con muốn biết thế giới ngoài kia rộng và lớn ra sao". Vì thế, nếu có thể hãy mở rộng suy nghĩ và tầm nhìn, hội nhập thế giới, có thể bằng việc đi du học, hoặc trải nghiệm môi trường du học tại Việt Nam.
Chất lượng sinh viên Việt Nam ngày nay rất tuyệt vời. Đặc biệt tại nhiều trường quốc tế, các bạn năng động, tiếng Anh giỏi và đặc biệt giao tiếp xã hội rất tốt.
Hãy sẵn sàng thay đổi tư duy để trở nên chuyên nghiệp hơn: Học tiếng Anh giỏi và nhận thức văn hóa toàn cầu tốt, sẽ giúp bạn cởi mở hơn với thế giới này. Bạn không thể hội nhập, nếu vẫn muốn giữ những tư duy cổ hủ. Hãy thử thách bản thân với những điều hay ho và hiện đại hơn nhé. Thái độ sống, làm việc tích cực, kiến thức cập nhật chuẩn quốc tế, kỹ năng chuyên nghiệp và hiệu quả là khối tài sản vô giá bạn sẽ thu lại được sau quãng thời gian du học.
Xin cám ơn anh vì cuộc trò chuyện này!