Nhật Bản phát triển vaccine Covid-19 bằng nhộng tằm
Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết đang phát triển vaccine chống Covid-19 bằng cách sử dụng con nhộng tằm.
Theo Sputnik, các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, đang phát triển vaccine chống Covid-19 bằng cách sử dụng con nhộng tằm.
Theo đó, giáo sư Takahido Kusakabe ở ĐH Kyushu cho biết: "Sử dụng một con tằm, chúng tôi tạo ra một loại protein nhân tạo cực kỳ giống với protein của một virus corona chủng mới, tuy nhiên bên trong nó không chứa virus, do đó nó vô hại"
Cùng với đó, các nhà khoa học đã tiêm một baculovirus với thông tin di truyền của virus corona vào con tằm. Baculovirus vốn chỉ lây nhiễm cho côn trùng nhưng lại vô hại với con người. Trong vài ngày, một protein rất giống với protein tăng đột biến của virus corona sẽ phát triển ở con tằm.
"Chúng tôi hiện đang phát triển một loại vaccine gồm 2 loại: dưới dạng tiêm và uống. Vaccine tiêm đòi hỏi phải thử nghiệm sàng lọc và an toàn. Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi cho rằng vaccine sẽ an toàn như những vaccine hiện đang được sử dụng. Còn đối với dạng uống thì tại các nước châu Á, nhộng tằm từ lâu đã được dùng trong thực phẩm nên sẽ không có vấn đề gì" – giáo sư Takahido Kusakabe cho biết thêm.
Nhà khoa học trên tin rằng dự án sẽ cho ra một loại vaccine có hiệu quả cao với số lượng lớn hơn so với vaccine thông thường. Ngoài ra, giá của nó sẽ nằm trong giới hạn của vaccine cúm, tức vài ngàn yên.
Đông thời ông Kusakabe cho biết các thử nghiệm vaccine trên động vật dự kiến diễn ra trong năm tài chính này, tức trước ngày 31/3/2021.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó ngày 5/8, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm trên người vaccine Covid-19. Các thử nghiệm lâm sàng trên người bắt đầu được tiến hành đối với loại vaccine tiềm năng do tập đoàn dược phẩm BioNTech của Đức và công ty Trung Quốc Fosun Pharma sản xuất.
Đã có 72 người tham gia nhận liều vaccine đầu tiên sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc chấp thuận cho thử nghiệm giai đoạn 1 – các công ty BioNTech và Fosun Pharma nói trong một tuyên bố.
Vaccine có tên BNT162b1 trên là một trong 4 vaccine dựa trên công nghệ mRNA độc quyền của BioNTech. Một loại khác có tên BNT162b2 đang được đánh giá trong thử nghiệm toàn cầu giai đoạn 3 do công ty BioNTech và công ty Mỹ Pfizer tiến hành từ 27/7.
Giai đoạn thử nghiệm 1 ở Trung Quốc có 144 người tham gia. Họ sẽ nhận được 2 liều cách nhau 21 ngày. Những người ở độ tuổi 18-55 sẽ tham gia thử nghiệm đầu tiên, tiếp theo là những người cao tuổi hơn.
Cùng với đó, các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang chạy đua tìm vaccine chống Covid-19 vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 700.000 người trên thế giới.
Hơn 200 ứng viên vaccine hiện đang được phát triển, trong đó khoảng hơn 20 loại đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.
Một số công ty Trung Quốc đang đi đầu trong cuộc đua vaccine toàn cầu, trong khi Nga cho biết họ hy vọng là nước đầu tiên trên thế giới tạo ra vaccine với mục tiêu là tháng 9. Tuy nhiên, các loại vaccine trên có thể phải đối mặt với sự giám sát tăng cao do các hệ thống quản lý ở 2 nước kém chặt chẽ hơn so với các nước phương Tây.
Ngoài ứng viên vaccine của BioNTech và Pfizer, 2 vaccine khác của phương Tây đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng: một do công ty Moderna và Viện Y tế quốc gia của Mỹ sản xuất, một do ĐH Oxford và công ty AstraZeneca của Anh sản xuất.