Người dân hào hứng vì Nhật Bản sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

04-12-2019 13:17:07

Rất nhiều người dân sinh sống quanh khu vực sông Tô Lịch tỏ ra hào hứng khi biết được thông tin Tổ chức xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản (JEBO) sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch.

Ngày 3/12, Tổ chức xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản (JEBO) gửi thông cáo báo chí công bố giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống trước khi xả vào sông, để xử lý cả sông Tô Lịch bằng Công nghệ Nano-Bioreactor.

Theo thông cáo của JEBO, sau khi thí điểm thành công việc chứng minh mô phỏng xử lý trong 24 giờ lượng nước thải chảy liên tục vào khu quây theo tỉ lệ thực tế trên sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn của Việt Nam, JEBO đã đưa ra giải pháp xử lý cho cả dòng sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor gồm 2 nhóm như sau:

Nhóm 1: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý nước thải tại chỗ trong ngày (24h), rồi mới xả vào sông nước đạt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), là nguồn cấp nước bổ cập tại chỗ cho sông Tô Lịch.

Nhóm 2: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.


Mô phỏng xử lý nước sông Tô Lịch.

JEBO cho rằng, giải pháp này đảm bảo nước thải từ các cống sẽ được xử lý tại chỗ ở bể ngầm dưới đất bằng hệ thống Nano-Bioreactor; nhóm thứ 2 tạo ra nước đạt QCVN rồi mới chảy vào sông Tô Lịch.

Trong trường hợp phát sinh nước thải tràn vào lòng sông thì vẫn có hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 2 đặt ở giữa sông để xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.

Cũng theo JEBO, hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, có điều khiển đáp ứng cả khi có mưa bão lớn. Chi tiết về hệ thống xử lý nước thải tại chỗ bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản sẽ được JEBO công bố trong buổi Hội thảo khoa học tại Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sắp tới.

Trong nội dung thông cáo, JEBO còn nhấn mạnh thêm rằng trong buổi họp đánh giá về kết quả thí điểm xử lý, làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor do Chủ tịch UBND Hà Nội chủ trì ngày 29/10 vừa qua, JEBO đã báo cáo UBND Thành phố Hà Nội về phương án sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây, thành công thì cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.

Trước đó, ngày 16/5, TP.Hà Nội đã khởi động Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor. Sau một thời gian thí điểm, bước đầu công nghệ đã giúp cải thiện chất lượng nước ở hai khu vực.


Người dân mắc võng ngủ ngon lành khi công nghệ Nano - Bioreactor chưa bị tháo dỡ.

Ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã đến thị sát khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor tại hồ Tây. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao dự án, về tiêu chí xử lý mùi, bùn, một số chất mà công nghệ cơ bản đã làm được; đồng thời mong muốn tiếp tục hợp tác với Nhật Bản trong việc xử lý ô nhiễm trên sông, hồ ở Việt Nam.

Ngày 11/11, Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã hoàn tất việc tháo dỡ khu thí điểm trên sông Tô Lịch của Dự án tài trợ thí điểm xử lí ô nhiễm bằng công nghệ Nano-Bioreactor.

Theo TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mai - Môi trường Nhật Bản, đơn vị này đã hoàn thành dự án thí điểm xử lý ô nhiễm và báo cáo kết quả thí điểm tới UBND thành phố Hà Nội, các Sở, Ngành, đơn vị liên quan.


Sau khi tháo công nghệ của Nhật Bản nước dưới sông Tô Lịch trở lại màu đen và bốc mùi hôi thối.

Liên quan đến nội dung trên, sáng ngày 4/12, trao đổi với PV, nhiều người dân sinh sống quanh khu vực sông Tô Lịch tỏ ra tiếc nuối vì sau khi tháo dỡ “bảo bối” của Nhật, nước dưới sông Tô Lịch đã bốc mùi hôi thối trở lại. “Đợt còn đặt máy ở đây, nước dưới sông trong lắm, không có mùi hôi thối như thế này đâu. Vào buổi trưa hàng trà đá ở đây đắt khách lắm. Giờ mùi kinh quá chẳng còn ai dám ngồi”, ông Toàn (60 tuổi, người dân sinh sống gần khu vực) tỏ ra buồn bã.

Còn ông Trần Văn Hưng (55 tuổi, cũng là người sinh sống gần khu vực) cho biết, sau khi tháo dỡ chiếc máy của Nhật, đoạn sông này không còn con cá nào “Trước đây khi còn có máy, ngày nào tôi cũng ra đây câu, nhưng từ ngày tháo dỡ máy cá chết hết rồi. Mà nếu còn cá thì cũng chẳng dám ngồi câu vì mùi thối lắm.”, ông Hưng nói.

Thế nhưng sau khi biết được Tổ chức xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản (JEBO) sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch thì cả ông Toàn, ông Hưng và nhiều người dân sinh sống gần khu vực này đều tỏ ra rất phấn khởi.  

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN //