Ngộ độc pate Minh Chay, cụ ông 70 tuổi ở Hà Nội tử vong
Dù đã được điều trị tích cực nhưng có bệnh nền và bị ngộ độc pate Minh Chay nên tình trạng nguy kịch. Gia đình đã xin cho bệnh nhân ra viện và tử vong tại nhà.
Cụ ông ngộ độc pate Minh Chay ở Hà Nội đã tử vong. Ảnh: PN Online
Ngày 27/11, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho VNExpress biết, một bệnh nhân (70 tuổi, Hà Nội) ngộ độc pate Minh Chay được điều trị tại đây đã tử vong sau khi được đưa về nhà.
Cụ thể, bệnh nhân này ngộ độc pate Minh Chay được chuyển từ bệnh viện Lão khoa Trung ương lên bệnh viện Bạch Mai điều trị hồi tháng 8/2020 trong tình trạng liệt toàn thân, phải thở máy. Dù đã được các bác sĩ điều trị tích cực song do tuổi cao, có bệnh nền và ngộ độc nặng do ăn pate Minh Chay nên tiên lượng nặng. Gia đình đã xin cho bệnh nhân ra viện và tử vong tại nhà.
Như vậy, đây là trường hợp bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay đầu tiên tử vong. Được biết, cùng nhập viện với bệnh nhân này là người vợ (68 tuổi, Hà Nội) cũng bị ngộ độc Pate Minh Chay. Hiện sức khỏe của bà đã ổn định và được cho ra viện.
Trước đó, 2 vợ chồng bệnh nhân này đều sử dụng sản phẩm pate Minh Chay mua trên mạng, lần ăn gần nhất vào cuối tháng 7/2020. Sau khi ăn lọ thứ nhất, 2 người không thấy có biểu hiện gì lạ. Tuy nhiên, đến lọ thứ 2 thấy xuất hiện mùi lạ nhưng 2 bệnh nhân vẫn ăn.
Sau thời gian ăn xong, các bệnh nhân cảm thấy nói khó, đau họng, nói khàn, yếu chân tay, không sốt, không đau đầu, không có gì thay đổi về cảm giác, không có tiền sử chấn thương Sau đó, được đưa nhập viện trong tình trạng sụp mi, khó nuốt, liệt cơ tứ chi, khó thở và suy hô hấp. Pate chay trong lọ đang ăn dở được cơ quan chức năng xét nghiệm, tìm thấy vi khuẩn C. botulinum.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng pate Minh Chay
Đến nay, cả nước ghi nhận 16 người ngộ độc nặng, cư trú tại Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam. Các mẫu xét nghiệm khẳng định các bệnh nhân ngộ độc botulinum từ loại pate này. Ngoài ra, có nhiều người khác ngộ độc nhẹ, chỉ mỏi và yếu cơ, được điều trị cải thiện và xuất viện trong ngày.
Theo trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, độc tố botulinum có nhiều loại, gây ra bởi vi khuẩn kỵ khí trong đồ ăn được đóng gói, lọ, hộp, túi, chai kín hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố.
Ngộ độc botulinum nặng, kéo dài, ảnh hưởng tới thần kinh nên gây liệt toàn bộ cơ, liệt kéo dài, dễ tử vong. Bệnh nhân phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng.