Nam Định: Chấn chỉnh các khoản thu mang mác “tự nguyện”
Tỉnh Nam Định là một trong những địa phương tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh.
Công khai các khoản thu chi là yêu cầu bắt buộc với tất cả cơ sở giáo dục. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên
Bước sang tuần học thứ 8, một số trường tiến hành thu các khoản thu đầu năm học. Điều khiến các bậc cha mẹ quan tâm chính là mức thu trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay.
Chị Nguyễn Vân, phụ huynh học sinh trường tiểu học tại huyện Trực Ninh, cho biết: Hai vợ chồng là lao động tự do nên thời gian qua thu nhập bị ảnh hưởng. Mới đây, khi được cô giáo thông báo các khoản thu và tổng mức tiền phải đóng, chị thắc mắc tại sao không ghi công khai từng khoản mà chỉ nói miệng để phụ huynh tự ghi lại. Điều chị Vân băn khoăn là tiền sổ liên lạc điện tử 70.000 đồng/năm và tiền xã hội hóa 450.000 đồng/học sinh để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp.
Tương tự, anh Hoàng Long có con học tại trường THCS trên địa bàn TP Nam Định cũng tâm tư, liệu rằng các khoản thu mang danh “tự nguyện” kia có thực sự cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế của người dân địa phương (nước uống, sổ liên lạc điện tử, gửi xe, quỹ lớp, điều hòa...).
Trong các khoản thu trên, có một số khoản nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu của học sinh như: Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường... nhưng có nhiều nơi vẫn thu của học sinh.
Từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Nam Định đã ban hành Công văn số 1205 gửi các phòng GD&ĐT huyện, thành phố; đơn vị trực thuộc Sở; trung tâm GDNN-GDTX chấn chỉnh thu - chi, xã hội hóa đầu năm.
Theo đó, các đơn vị thực hiện công tác quản lý thu, chi tài chính phải đúng quy định, nhất là các khoản thu chi đầu năm học; nghiêm cấm việc đặt ra các khoản thu trái quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu.
Sở yêu cầu các trường chia sẻ khó khăn với cha mẹ học sinh trước tác động tiêu cực của dịch bệnh. Hạn chế tối đa việc huy động đóng góp tự nguyện từ cha mẹ học sinh; vận động các nhà cung cấp dịch vụ cắt giảm chi phí, giảm giá dịch vụ; tích cực huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cựu học sinh... để tăng cường cơ sở vật chất, triển khai các hoạt động của nhà trường; hỗ trợ học sinh khó khăn về kinh tế.
Theo ông Lưu Quang Tuyển - Chủ tịch UBND huyện Nam Trực, huyện có Văn bản 946 ngày 6/10/2021 về thực hiện các khoản thu chi trong trường học năm học 2021 - 2022. Trong đó, tiền nước uống được thu không quá 10.000 đồng/tháng/học sinh, thu theo số tháng thực học. Tiền chăm sóc trẻ ngày thứ 7 và trong thời gian nghỉ hè là 30.000 đồng/trẻ/ngày. Dạy kỹ năng sống trong trường mầm non và tiểu học: 4.000 đồng/học sinh/tiết.
Dịch vụ vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh ở cấp mầm non, tiểu học thu không quá 18.000 đồng/học sinh/tháng. Với các trường tổ chức bán trú, tiền trả công thuê người nấu ăn đối với các cấp học là 100.000 đồng/học sinh/tháng...
Riêng các khoản thu chưa có trong nội dung hướng dẫn nêu trên, nếu phụ huynh có nhu cầu trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận với nguyên tắc thu đủ chi, khi đó các trường bàn bạc, thống nhất, công khai và phải báo cáo với cơ quan chủ quản trực tiếp đồng ý mới được triển khai thực hiện...
Ông Tuyển cũng lưu ý, tất cả khoản thu chi phải được thực hiện công khai, minh bạch và theo đúng văn bản chỉ đạo của các cấp. Tuyệt đối không được thu chi sai quy định hay lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân. Nếu phát hiện sai phạm, người đứng đầu cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm.