Một lần về nhà bố vợ tương lai ăn Tết
Nam loay hoay giữa chợ, đầu óc căng như dây đàn. Năm nay là năm đầu tiên đi Tết bố vợ tương lai, chuyện hôn sự thành bại, không khéo “chốt” cả sau vụ này!
Cửa ải đầu tiên là chinh phục Vân thì đã vượt qua. Nhiều tháng trời mòn mỏi trao gửi yêu thương, cô đã gục đầu vào bờ vai Nam như một chỗ dựa bình yên, là bến bờ gửi trao niềm thương nhớ. Những đêm trăng hò hẹn, họ đã mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”, về một tổ ấm chẳng lúc nào thiếu vắng những tiếng cười vui. “Chốt chặn” tiếp theo là ông nhạc phụ tương lai. Nam… toát mồ hôi hình dung về cả một núi gian nan đang đón đợi!
Ông bố Vân nghe đâu khó tính. Cụ sống ở quê, nề nếp gia phong, vẫn giữ nếp nghĩ và những thói quen xưa cũ. Tết này ra mắt không ấn tượng, ai dám chắc những nỗ lực của đôi trẻ không đổ bể trôi sông.
Ảnh minh họa
Căng! Tấm gương nhãn tiền của Long và Vinh, hai thằng bạn chí cốt từng bẽ mặt trong nỗ lực ghi điểm với ông bố vợ càng khiến Nam đâm hoảng. Việc hệ trọng, vậy nên giữa cái dòng chảy cuối năm bề bộn, cái sự chọn quà đi Tết ông bố vợ tương lai được Nam ưu tiên hàng đầu. Long bạn Nam, Tết năm rồi được một phen bẽ mặt với ông bố vợ tương lai và các cụ cao niên trong họ.
Tính “đi tắt đón đầu” nhằm đua tranh với mấy anh “cọc chèo” ghi điểm với bố vợ, Long vào chợ đầu tư hẳn một chai rượu ngoại về biếu cụ. “Quanh năm lam lũ với nghề nông, cả đời cụ nào đã được thưởng thức rượu Tây. Phen này, quan hệ với ông bố vợ có bước “đột phá” rồi đây” - Long hý hửng.
Hôm mọi người tề tựu cả ở nhà thờ họ ăn lễ đầu năm, bố vợ Long xách ra chai rượu của anh rể quý, giọng trịnh trọng: “Thằng Long nó biếu chai rượu Tây, giờ xin rót kính các cụ mỗi người một chén, thưởng thức “tinh túy” đồ uống của nước ngoài”. Rượu được rót. Tiếng cụng ly đôm đốp. Rồi mặt ai nấy nhăn nhó. “Rượu gì mà chua như dấm”, “Có mùi gì… thum thủm. Rượu Tây à, có mà là…Tây Nguyên”…, tiếng các cụ phàn nàn.
Một ông chú làm công chức ở Hà Nội, cũng thường xuyên giao lưu, nhìn kỹ chai rượu nói một câu khiến Long tái tê: “Rượu đểu, hàng Trung Quốc đó”. Sau vụ đó, Long sốc nặng. Trường hợp của Vinh thậm chí còn… thảm hơn!
Quê vợ Vinh vùng miền núi rẻo cao. Cũng đau đầu suy đi tính lại, cũng bắt tay lên trán cân nhắc ngược xuôi, cuối cùng Vinh quyết định mua mực khô đã xé sẵn đóng gói. “Đem hương vị biển lên xứ núi. Ông bố vợ thể nào cũng khen mình tâm lý”, Vinh nhủ thầm.
Mâm cơm tất niên sum họp chiều cuối năm, món mực khô của anh rể quý được mang ra. “Thằng Vinh tinh tế. Khá”, ông bố vợ gật gù. Tiếng nhai rột roạt. Mực gì mà ăn mãi chẳng thấy ngọt, có mùi vị chi? Thằng em vợ săm soi kỹ, đem miếng mực bỏ vào nước rửa. Hóa ra, mực được làm từ... bìa các tông! Ông bố vợ sau này giận Vinh tới hơn 3 tháng, chỉ vì nghĩ “nó xem mình như rơm như rác!”.
Bài học nhãn tiền của hai ông bạn khốn khổ cứ khiến bước chân Nam loay hoay giữa chợ. Mua quà gì chúc Tết ông bố vợ, hòng đánh sập “thành trì” dường như là cuối cùng, đưa câu chuyện tình yêu đến bến bờ thắng lợi!? Rồi Nam quyết định mua một gốc mai có giá gần 10 triệu đồng. “Đắt xắt ra miếng. Tiền nào của nấy, ông bố vợ tương lai sẽ bị chinh phục hoàn toàn” - Nam nhận định.
Đen đủi, gốc mai đến ngày 29 Tết thì… rụng hết hoa, chỉ còn trơ thân và lá! Cả chục triệu bạc đầu tư hòng lấy lòng ông bố vợ tương lai, giờ chỉ như nhúm củi khô! “Gay go. Cụ mà chấp thì đừng mơ có chuyện gả cho con gái”, Nam nghĩ đến trường hợp xấu.
Ông bố vợ tương lai nhìn Nam cười hiền. Lần đầu tiên, Nam thấy ông dễ gần đến vậy. “Có những cái chẳng mua được bằng tiền. Vật chất chỉ là hư vô, tình cảm chân thành là cái sẽ còn lại mãi mãi. Tết năm sau, mua cho bố gói trà là được” - ông bố vợ nheo mắt cười ẩn ý. Bố? Nam hét lên, gương mặt rạng ngời.
“Năm sau con sẽ mua trà chúc Tết bố” - giọng Nam cười vang!