Hy hữu: Hạt hồng xiêm nằm trong phế quản người phụ nữ suốt 27 năm
Năm 6 tuổi, người phụ nữ bị hóc hạt hồng xiêm nhưng thấy không sao nên đã bỏ qua. Gần đây thấy triệu chứng bất thường, đi khám thì phát hiện hạt vẫn còn nằm trong phế quản.
Hình ảnh hạt hồng xiêm trên nội soi phế quản. Ảnh: Tiền Phong
Ngày 25/11, BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho CAND biết, các bác sĩ khoa Nội Hô hấp vừa thực hiện thành công nội soi phế quản lấy dị vật là hạt hồng xiêm nằm vắt ngang trong phế quản phải của một nữ bệnh nhân suốt 27 năm.
Cụ thể, bệnh nhân là chị Thanh Keo Vi Đ. (SN 1987, ngụ Vĩnh Long). Người nhà bệnh nhân cho biết, vào năm 6 tuổi, bệnh nhân ăn hồng xiêm vô tình sặc hạt. Sau đó xuất hiện cơn ho dữ dội, ho giảm dần sau 1 tuần nhưng không dứt hẳn, người nhà nghĩ không sao nên bỏ qua không cho đi khám.
Thời gian sau, bệnh nhân xuất hiện những đợt ho kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần, có dùng thuốc giảm nhưng không hết triệu chứng. Sáu tháng trở lại đây, triệu chứng ho ngày càng nhiều hơn, điều trị nhiều nơi không giảm nên chị Đ. đã đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ kiểm tra.
Tại đây, qua thăm khám và chụp CTSan ngực cho thấy, hình ảnh giãn phế quản và viêm thùy dưới phổi phải, có hình ảnh dị vật nhánh phế quản thùy dưới phổi phải. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản thám sát ghi nhận niêm mạc phế quản nhiều giả mạc.
Trong quá trình nội soi các bác sĩ phát hiện có một dị vật nằm trọn trong lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải bị che lấp bằng giả mạc và niêm mạc phù nề nên đã dùng kiềm lấy dị vật nhưng chỉ lấy được phần gai của hạt hồng xiêm. Sau đó bệnh nhân được điều trị tích cực nội khoa nhằm giảm phù nề và được tiến hành nội soi lần 2.
Nội soi lần 2, các bác sĩ nhận thấy dị vật nằm ngang trong lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải nên đã dùng thòng lọng kéo hạt ra ngoài. Ca phẫu thuật kéo dài 150 phút, các bác sĩ lấy thành công dị vật là hạt hồng xiêm ra khỏi phế quản của bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, hết cảm giác đau tức ngực, đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Nội hô hấp của bệnh viện.
Dị vật là hạt hồng xiêm được lấy ra khỏi phế quản bệnh nhân sau 27 năm. Ảnh: Tiền Phong
Trao đổi với Tiền Phong, TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể gây tử vong hay di chứng nặng nề ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi. Tai nạn cũng có thể xảy ra ở người lớn.
Theo bác sĩ Thúy, khi bị dị vật xâm nhập vào đường thở, bệnh nhân sẽ đột ngột ho sặc sụa, khò khè, khó thở. Tuy nhiên, hội chứng này có thể không có ở 12 - 25% trường hợp dị vật đường thở. Nếu phát hiện trễ người bệnh thường có bệnh sử viêm phổi tái phát ở cùng một vị trí.
Do đó, để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra, bác sĩ Thúy khuyến cáo, khi có triệu chứng ho kéo dài, nhiễm trùng phổi tái đi tái lại, có hít sặc khi ăn uống thì người dân nên đến các cơ sở y tế thăm khám, nội soi tìm kiếm dị vật, điều trị kịp thời.