Hy hữu chuyện chính quyền thị trấn kiện dân để đòi đất

03-01-2023 12:00:14

Chuyện hiếm gặp trong lịch sử ngành tư pháp khi nguyên đơn khởi kiện là UBND thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) và bị đơn là một người dân sinh sống trên địa bàn.

UBND thị trấn kiện dân

Vụ việc hy hữu xảy ra tại thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Nguyên đơn khởi kiện là một cơ quan hành chính nhà nước - UBND thị trấn Mậu A, và người bị kiện là anh Nguyễn Trọng Tiến – hiện sinh sống và làm việc trên địa bàn thị trấn.

Cụ thể, tháng 6/2022, UBND thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân huyện Văn Yên yêu cầu Tòa thụ lý, giải quyết yêu cầu ông Nguyễn Trọng Tiến (sinh sống tại Tổ dân phố số 2, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) thu dọn tài sản, trả lại diện tích 3.269,6m2 đất để UBND thị trấn Mậu A quản lý theo quy định.

Đơn khởi kiện của UBND thị trấn Mậu A đưa ra nhiều dẫn chứng, trong đó có nội dung sau: 

Ngày 01/1/2020, UBND thị trấn Mậu A có nhận được đơn đề nghị thuê đất nông nghiệp của ông Nguyễn Trọng Tiến, tổ dân phố sô 2, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đề nghị được thuê diện tích 3.269,6m2 để sử dụng vào mục đích trồng lúa với giá đề nghị được thuê là 20 triệu đồng/năm.

Đến hết ngày 31/12/2021, hợp đồng thuê đất giữa UBND thị trấn Mậu A với ông Nguyễn Trọng Tiến đã hết hạn. UBND thị trấn Mậu A không tiếp tục gia hạn hay ký hợp đồng cho thuê lại diện tích 3.269,6m2 đối với ông Nguyễn Trọng Tiến.


​Đơn khởi kiện của UBND thị trấn Mậu A đối với anh Nguyễn Trọng Tiến

Cũng theo đơn, từ tháng 01/2022 cho đến tháng 06/2022 UBND thị trấn đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Văn Yên, các đoàn thể thị trấn và tổ dân phố số 2 tiến hành làm việc 08 lần để tuyên truyền, vận động, thông báo chấm dứt và thanh lý hợp đồng và ban hành 02 thông báo yêu cầu ông Nguyễn Trọng Tiến thu dọn tài sản trả lại đất cho UBND thị trấn quản lý theo quy định tại Điều 5 của hợp đồng thuê đất nhưng ông Nguyễn Trọng Tiến không trả lại đất mà vẫn tiếp tục sử dụng cho đến nay (thời điểm UBND thị trấn Mậu A làm Đơn khởi kiện - PV).

Bên cạnh đó, vào ngày 29/6/2022, UBND thị trấn đã tổ chức buổi làm việc với đại diện cộng đồng dân cư để xác minh nguồn gốc sử dụng đất có sự chứng kiến của MTTQ, các đoàn thể thị trấn, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố số 2, tổ dân phố số 3. Tại buổi làm việc, các thành phầm tham gia là những người đã từng đấu thầu thuê đất 5% với UBND thị trấn và một số cá nhân khác, đều khẳng định diện tích ông Nguyễn Trọng Tiến thuê của UBND thị trấn và một số diện tích xung quanh đều là đất 5% (đất ao cá cũ) do UBND thị trấn Mậu A quản lý, không phải đất của bất cứ hộ gia đình, cá nhân nào.

Vì đâu nên nỗi?

Trước việc bị UBND thị trấn khởi kiện và các chứng lý được nêu ra trong đơn, bị đơn Nguyễn Trọng Tiến cho rằng có rất nhiều “khuất tất”.

Theo anh Nguyễn Trọng Tiến, phần đất 3.269,6m2 được nhắc đến trong Đơn khởi kiện của UBND thị trấn Mậu A vốn là đất hoang từ năm 1986, được bố anh là ông Nguyễn Bá Dũng san lấp, tôn tạo và thu mua của các hộ gia đình xung quanh, lên đến gần 7.000m2. 

Năm 2019, anh Tiến sử dụng phần diện tích này và đầu tư làm sân bóng đá dịch vụ. Ngày 02/12/2019, anh được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao. 


Anh Nguyễn Trọng Tiến bên phần diện tích đất tranh chấp – hiện là sân bóng dịch vụ

Cũng theo lời bị đơn, trong thời gian trên, anh này được ông Đinh Mạnh Cường - Chủ tịch UBND thị trấn Mậu A đề nghị gia đình đóng góp kinh phí cho thị trấn và để “hợp lý” khoản đóng góp này, anh Tiến đã ký xác nhận vào Hợp đồng thuê đất lập ngày 04/1/2020, với giá tiền cho thuê đất là 20 triệu đồng/năm, mục đích sử dụng đất là để trồng lúa. Theo lời anh Tiến, con số 3.269,6m2 được đề cập trong hợp đồng cũng chỉ là ước lượng, chứ không hề có đo đạc hay cắm mốc chỉ giới.

Bên cạnh đó, đối với Đơn đề nghị thuê đất nông nghiệp (vốn phải được nộp trước khi có Hợp đồng thuê đất) và 03 tờ phiếu thu với tổng giá trị 30 triệu đồng (20 triệu đồng thuê đất cho năm 2020, 5 triệu đồng “đóng góp” cho các năm 2018 và 2019), bị đơn Nguyễn Trọng Tiến khẳng định chưa từng ký xác nhận.

Theo anh Tiến, chỉ khi gia đình anh được tiếp cận với hồ sơ khởi kiện của UBND thị trấn Mậu A tại Tòa án nhân dân huyện Văn Yên thì mới biết đến sự tồn tại của Đơn đề nghị thuê đất và 03 phiếu thu này. Cùng với đó, biên bản làm việc do UBND thị trấn Mậu A lập trong buổi làm việc xác minh nguồn gốc sử dụng đất 5% (tổ chức vào ngày 29/6/2022) cũng không hề có ý kiến của gia đình anh, bởi lẽ không ai trong gia đình anh được mời, dù là hộ gia đình đang sử dụng mảnh đất bị tranh chấp này.


Bị đơn Nguyễn Trọng Tiến khẳng định không hề ký Đơn đề nghị thuê đất nông nghiệp và các phiếu thu nộp tiền thuê đất

Anh Nguyễn Trọng Tiến bức xúc: “Gia đình tôi nghĩ đơn giản là người cùng địa phương thì ai lừa nhau, thế nên mới ký vào Hợp đồng thuê đất, sau đó nộp tiền mặt 20 triệu đồng. Chúng tôi ít học thức, bao lâu nay lãnh đạo thị trấn bảo ký cái gì thì ký, cốt là để sinh sống yên ổn. Thế mà giờ chúng tôi bị kiện, bị nói là bao chiếm đất của thị trấn, vậy có phải chúng tôi đã bị lừa? Việc đã đến mức này, chúng tôi sẽ nhờ đến luật sư, nhờ đến cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ chân tướng ngọn ngành.”

Liên quan đến vụ kiện “hy hữu” trên, trao đổi cùng báo chí, ông Đinh Mạnh Cường - Chủ tịch UBND thị trấn Mậu A cho biết: Năm 2020 UBND huyện Văn Yên có quy hoạch khu dân cư/khu đô thị mới, ra thông báo thu hồi đất, yêu cầu thị trấn thu hồi đất (trong đó có phần đất hiện đang tranh chấp giữa UBND thị trấn Mậu A và anh Nguyễn Trọng Tiến) để bàn giao cho huyện thực hiện đấu giá.

Đối với việc bị đơn Nguyễn Trọng Tiến cho rằng diện tích đất đang tranh chấp do gia đình anh này thực hiện san lấp, tôn tạo và sử dụng ổn định phần đất tranh chấp từ trước năm 1988, đã đủ điều kiện được cấp giấy theo quy định pháp luật, đại diện Thị trấn Mậu A cho biết: “Đấy là quyền của cá nhân người ta nói như thế nào mình không quan tâm được. Ông Nguyễn Bá Dũng ký hợp đồng từ 2005, qua các năm đều nộp thuế đầy đủ thì tôn tạo cái gì? Các hộ khác đều ký trả đất lại cho thị trấn. Đối với thị trấn khi đã kiện ra tòa là phải đầy đủ hồ sơ, Tòa đã xem xét vấn đề, thấy có tính pháp lý thì mới thụ lý", Chủ tịch UBND thị trấn Mậu A nói.

Tuy nhiên, đối với các giấy tờ quản lý đất đai diện tích đất đang tranh chấp từ năm 2005 trở về trước, vị chủ tịch UBND thị trấn Mậu A lại không cung cấp thông tin. Liên quan đến quy hoach cụ thể dẫn đến việc thu hồi đất tại khu vực tổ 2, tổ 3 trên địa bàn UBND thị trấn Mậu A, vị chủ tịch UBND thị trấn cho biết, hiện nay thị trấn đang triển khai hơn chục dự án thu hồi đất nên ông… không nhớ rõ và sẽ trả lời sau.

Theo luật sự Đặng Thị Vân Thịnh, đoàn luật sư TP Hà Nội, việc khởi kiện người dân không nằm trong nhiệm vụ, quyền hạn của UBND sở tại.

Theo Luật sư Thịnh, do UBND cấp xã, phường, thị trấn chỉ có chức năng quản lý đất đai, không sở hữu đất đai nên không được khởi kiện đòi đất. Đồng thời quyền khởi kiện không nằm trong nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã, phường, thị trấn. Như vậy việc khởi kiện của UBND xã Mậu A là không đúng quy định và Tòa án buộc phải đình chỉ giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, thẩm quyền thu hồi đất thuộc về UBND cấp huyện theo khoản 3 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013. UBND cấp xã chỉ là thành phần trong Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất do UBND cấp huyện thành lập. Việc thu hồi đất trái thẩm quyền, cơ quan chức năng nào thực hiện sai thẩm quyền được quy định sẽ buộc phải chịu trách nhiệm với quyết định thu hồi này. Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp Điều 229 Bộ luật này sẽ bị xử lý Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //