Hà Nội thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Chủ tịch phường tự quyết, tự chịu trách nhiệm
Từ ngày 1/7/2021 Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Điểm đặc biệt chú ý của việc thí điểm này chính là cấp phường sẽ thực hiện theo chế độ thủ trưởng tự quyết, tự chịu trách nhiệm.
Người dân làm thủ tục hành chính tại cấp phường.
Công chức hộ tịch, tư pháp cũng được ủy quyền ký một số giấy tờ
Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Nguyễn Ánh Dương cho biết, Nghị định số 32 gồm 6 chương, 33 điều. Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Nghị định gồm các nội dung: Tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND phường; tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường; tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác…
Vấn đề phân cấp để tự quyết, tự chịu trách nhiệm là điều thấy rõ nhất khi thực hiện Nghị định này. Cụ thể, để bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn phường được thực hiện thông suốt khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, UBND phường sẽ làm việc theo chế độ thủ trưởng. Trong đó, quy định trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường và các công chức khác của phường trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Vì vậy, Chủ tịch phường lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường và các công chức phường theo quy chế làm việc của phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch phường giúp Chủ tịch phường giải quyết các công việc theo phân công của Chủ tịch phường, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch phường và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Chủ tịch đi vắng, một Phó Chủ tịch được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt Chủ tịch điều hành và giải quyết công việc của UBND phường.
Thậm chí, để giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiệm của công chức và phục vụ người dân nhanh chóng, Nghị định cho phép chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính...
Cần sự giám sát chặt chẽ
Kỳ vọng rất nhiều vào việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong đó có nội dung Chủ tịch phường tự quyết, tự chịu trách nhiệm để có thể giải quyết nhanh chóng những vấn đề của đô thị, bà Bùi Thị An- nguyên ĐBQH Hà Nội đồng tình chủ trương thí điểm chế độ thủ trưởng ở các phường trên địa bàn. Theo đó, nếu Chủ tịch phường được quyết nhiều vấn đề sẽ giúp việc giải quyết nhanh hơn, gọn gàng hơn.
Tuy nhiên, điều đặc biệt yêu cầu chính là công tác chọn cán bộ phải bài bản hơn, làm sao để chọn được người xứng đáng đủ tâm, đủ tầm giải quyết việc một cánh nhanh gọn, hiệu quả và công tâm nhất. Tuy nhiên, muốn tạo điều kiện cho người đứng đầu phường làm tốt công việc của mình cũng cần làm rõ vấn đề phân cấp?
Phân cấp đến đâu, trách nhiệm là gì có như vậy mới tạo điều kiện cho họ thực hiện tốt chức trách của mình. Điểm cần lưu ý khi thực hiện vấn đề này theo bà An cần có sự giám sát của các cấp và từ phía người dân để tránh lạm quyền khi mà quyền lực được giao cho một số người.
Theo Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ Lê Anh Tuấn, việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền sẽ làm cho bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, phản ứng nhanh nhạy, hoạt động thông suốt hơn; cơ quan hành chính cấp phường, xã sẽ tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách ở địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc.
Các cơ quan chuyên môn trực thuộc sắp xếp lại tinh gọn; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan trung ương và chính quyền thành phố, qua đó, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền. Do vậy, hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền đô thị sẽ được nâng cao, không chỉ trong quản lý đô thị hiện đại, phát triển mà còn bảo đảm cả trong những tình huống khẩn cấp, khó khăn, an ninh phi truyền thống, như hoả hoạn, thiên tai, dịch bệnh…
Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần có bước đi thận trọng, vừa bảo đảm tính kế thừa, vừa giữ được ổn định về mô hình tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã; cần có một số điều chỉnh nhất định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã và ủy ban hành chính cấp phường sao cho phù hợp với đặc điểm của quản lý chính quyền đô thị, tạo được sự đa dạng, phù hợp với đặc thù của từng loại đơn vị hành chính (phường, xã, thị trấn).
Đặc biệt cần đẩy mạnh cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền đô thị. Bởi, trong trường hợp thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở cấp huyện, quận, phường, xã thì cần phải xây dựng cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân nhằm góp phần phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân.
Do đó, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của xã hội đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị nói riêng, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với hoạt động của ủy ban nhân dân, phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề ở địa phương, thay thế chức năng giám sát do không tổ chức Hội đồng nhân dân.