Đường sắt lại nợ lương người lao động: Vướng ở đâu?

16-04-2021 15:10:56

Cả quý I-2021, hơn 11.300 lao động phục vụ mảng hạ tầng ngành đường sắt lại rơi vào tình trạng bị nợ lương như những tháng đầu năm 2020. Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa “kêu cứu” lên Thủ tướng.


Đời sống của người lao động ngành đường sắt hết sức bấp bênh.

Kiến nghị khẩn lên Thủ tướng

Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa thông tin, đơn vị đã có kiến nghị khẩn đến Thủ tướng về những vướng mắc liên quan đến kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Theo đó, năm 2021, VNR dự kiến được Nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động. Tuy nhiên, 4 tháng qua, đơn vị này vẫn chưa được giao vốn. Các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì. Người lao động chỉ được tạm ứng một phần lương để duy trì cuộc sống.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR cho biết: Việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động và nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì họ vốn là những người thu nhập thấp. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.

Đại diện DN, ông Bùi Đình Sỹ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội chia sẻ: Từ đầu năm nay các công ty bảo trì đường sắt gặp nhiều khó khăn do chưa ký được hợp đồng đặt hàng bảo trì. Dù vốn được Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt từ tháng 12/2020 nhưng vướng cơ chế, quy định pháp luật nên chưa thể triển khai.

Dù chưa được ký hợp đồng nhưng VNR có văn bản chỉ đạo người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp cổ phần bảo trì đường sắt phải đảm bảo công tác an toàn chạy tàu. Do vậy, Công ty vẫn phải vận dụng nguồn lực để đưa vật tư, thiết bị vào công trình để duy trì trạng thái hạ tầng, đảm bảo an toàn.

Tạm ứng lương cho người lao động

Theo ông Sỹ, từ đầu năm 2021 đến nay đơn vị vẫn thực hiện tạm ứng lương hàng tháng cho người lao động. Riêng lương tạm ứng quý I cho gần 500 cán bộ công nhân viên đã là 7 tỷ đồng và hiện đang sử dụng vốn của Công ty để chi trả. Công ty sẽ phải trả khoảng 11 - 12 tỷ đồng tiền lương, chưa kể tiền bảo hiểm hàng tháng khoảng 1 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ chỉ 22,5 tỷ đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, buộc Công ty phải vay ngân hàng.

Còn nhớ, đầu năm 2020, VNR đã không được Bộ GTVT giao dự toán ngân sách, nên không có tiền chi trả cho 20 đơn vị quản lý hạ tầng và nợ lương công nhân trong nhiều tháng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là VNR đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, không còn trực thuộc Bộ GTVT nên Bộ không tiếp tục giao vốn cho đơn vị ngoài ngành. Sau đó, phương án tháo gỡ tạm thời là Bộ GTVT giao vốn cho VNR để duy tu sửa chữa như các năm trước. Nhưng sau 1 năm, phương án giao vốn như thế nào vẫn chưa được tháo gỡ.

Với những nhùng nhằng cơ chế, một chuyên gia về đường sắt cho hay: Thực ra vướng mắc lớn nhất 2 năm qua là ai cũng muốn được giao khoản kinh phí 2.800 tỷ đồng. Bộ muốn giao cho Cục Đường sắt để áp dụng cơ chế đặt hàng, còn VNR vẫn muốn được giao vốn trực tiếp theo cơ chế cũ.

Có ý kiến cho rằng: Về lâu dài, vốn bảo trì nên được giao cho cơ quan quản lý nhà nước áp dụng theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu với các doanh nghiệp. Việc này nhằm đảm bảo khách quan, thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi nếu có.

Trước đó, Tổng Giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh đề xuất, để giải quyết tận gốc vấn đề, các cơ quan chức năng cần sớm duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (Đề án do Bộ GTVT xây dựng) trong đó có kiến nghị tiếp tục giao VNR quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính vào vốn DN đến hết năm 2025.

Hiện ngành đường sắt có hơn 11.300 lao động trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.143 km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước. Tất cả số lao động này được trả lương từ ngân sách nhà nước, thông qua VNR.

Theo định kỳ đầu năm, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách bảo trì đường sắt cho VNR để chi trả cho các đơn vị hạ tầng. Đến cuối năm sẽ quyết toán. Năm 2019, ngân sách đã chi trả khoảng 2.500 tỷ đồng cho nhân lực bảo trì đường sắt. Năm 2020 là 2.800 tỷ đồng. Năm 2021, VNR dự kiến được nhà nước giao 2.800 tỷ đồng.

 

HẠNH NHÂN
Theo Đại Đoàn Kết //