Cơ chế hỗ trợ cho việc tái chế rác thải nhựa chưa khuyến kích được doanh nghiệp
Tại buổi Hội thảo khoa học với chủ đề “Không để nhựa thành rác”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, hiện tại cơ chế hỗ trợ cho việc tái chế rác thải nhựa vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Hội thảo khoa học “Không để nhựa thành rác” do Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (GDCSSKCĐ) tổ chức diễn ra sáng 22/10, tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý đến từ các bộ, ngành chức năng và nhiều chuyên gia về môi trường.
Trong suốt buổi Hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý đã cùng nhau đưa ra những phân tích, nhìn nhận, đánh giá về nhựa và vấn nạn rác thải nhựa đang gây nhức nhối trên toàn thế giới và Việt Nam.
Theo số liệu được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo cho thấy, Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ hạng cao trong các quốc gia có nguồn rác thải nhựa. Rác thải nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và các loài sinh vật tự nhiên.
Thông qua hội thảo, chuyên gia và các nhà quản lý đã cùng nhau đưa ra nguyên nhân phát sinh rác thải nhựa và những giải pháp cần thiết để hạn chế “không để nhựa trở thành rác thải”.
PGS TS. Bùi Thị Anh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Viết Anh.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS TS. Bùi Thị An cho rằng, vấn nạn rác thải nhựa hiện nay đang là vấn đề nóng trên toàn cầu và được quan tâm.
Nhắc lại lời kêu gọi “toàn xã hội chung tay ngăn chặn thải nhựa ra môi trường” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, PGS TS. Bùi Thị An cho rằng Hội thảo rất kịp thời, là cơ hội tốt để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đóng góp ý tưởng, giải pháp giúp các nhà quản lý chuyên môn bằng nhiều kênh thông tin hoạch định tham mưu với ban, ngành chức năng để đưa ra các quy định áp dụng cho phù hợp, thiết thực.
PGS TS. Bùi Thị An cho rằng, để hạn chế rác thải nhựa cũng như giữ gìn môi trường thì phải có sự đồng bộ cả về chính sách pháp luật, kinh tế và đặc biệt là ý thức của cả cộng đồng.
“Để hạn chế rác thải nhựa là rất khó phải có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách pháp luật, doanh nghiệp. Làm sao để vận động doanh nghiệp hưởng ứng nhưng phải cho họ thấy việc làm đó là mang lại lợi ích kinh tế… Tôi biết rằng rất khó nhưng hãy bắt đầu từ chính các bạn, hãy tạo cho bản thân thói quen tốt rồi dần dần tôi tin tưởng tất cả mọi người sẽ cùng hưởng ứng”. – PGS TS. Bùi Thị Anh cho hay.
Không thể loại bỏ nhựa nhưng phải biết hạn chế
Bày tỏ quan điểm tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tùng – Vụ trưởng Vụ chính sách và pháp luật, Tổng cục biển và hải đảo (Bộ TN&MT) cho rằng: Hiện tại, việc hạn chế ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ rác thải nhựa mới đang ở mức kêu gọi và cần phải có hành động thiết thực hơn.
“Chúng ta đã được nghe các báo cáo đề cập đến giải pháp về thể chế chính sách, tư tưởng kinh tế tuần hoàn và kỹ thuật liên quan đến sản lượng nhựa…Qua đó chúng ta thấy rằng Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện các hành động và có các nhận thức khác nhau về rác thải nhựa”, ông Nguyễn Thanh Tùng nói.
Đồng thời ông Tùng cho biết, tại hội thảo, ông sẽ lắng nghe các giải pháp được đưa ra để tổng hợp, có ý kiến tham mưu đến các cấp có thẩm quyền để có chính sách phù hợp về nhựa và rác thải nhựa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hiện nay ngoài việc triển khai các vấn đề chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến việc hạn chế rác thải nhựa như: Luật bảo vệ môi trường, Luật về thuế bảo vệ môi trường… thì hiện Bộ TN&MT cũng đang xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 để trình Thủ tướng. Đồng thời xúc tiến thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa được đặt tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Vụ trưởng Vụ chính sách và pháp luật, Tổng cục biển và hải đảo (Bộ TN&MT) nêu quan điểm hạn chế rác thải nhựa tại hội thảo. Ảnh: Viết Anh.
“Thông qua các hội nghị quốc tế, chúng ta đang nỗ lực kêu gọi và khẳng định Việt Nam là một trong những nước tiên phong đi đầu trong lĩnh vực chống rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng”, ông Tùng thông tin.
Ông Tùng cho rằng có 3 nội dung cần quan tâm chủ yếu đó là: Vấn đề phát sinh rác thải nhựa, vấn đề tái chế rác thải nhựa, vấn đề thu gom rác thải nhựa… Về phát sinh rác thải nhựa, ở mặt quản lý ông Tùng cho rằng, cũng đã có các yêu cầu hạn chế rác thải nhựa thông qua các chính sách về thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lon.
Theo ông Tùng, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn được nhựa ra khỏi đời sống, vấn đề loại bỏ là không khả thi. “Chúng ta cần phân biệt cái nào hạn chế, cái nào có thể thay thế… để hạn chế được chất thải nhựa”.
Về vấn đề phân loại, ông Tùng cho rằng vấn đề phân loại rác tại chỗ cũng cần được quan tâm nhiều hơn. “Việc phân loại rác, việc thu gom xử lý rác thải phải đưa vào luật để việc tái chế các sản phẩm nhựa có hiệu quả”, ông Tùng nhấn mạnh.
Đề cập tiếp đến giải pháp tái chế rác thải nhựa, ông Tùng cho rằng, cơ chế hỗ trợ cho việc tái chế rác thải nhựa vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa khuyến khích được doanh nghiệp. “Doanh nghiệp họ thấy có lợi gì thì họ làm, còn nếu vận động người ta làm mà không có lãi thì không ai làm như vậy nhà nước phải hỗ trợ”.