Chuyện võ sư đánh vợ: Đổ lỗi cho phụ nữ là tiếp tay bạo lực gia đình
Việc đổ lỗi cho người phụ nữ khi xảy ra bạo lực gia đình chỉ xoá bớt đi lòng từ, mở đường cho sự khắc nghiệt của xã hội cũ trỗi dậy.
Hình ảnh anh chồng võ sư Nguyễn Xuân Vinh đánh vợ nhà báo gây phẫn nộ dư luận.
Hình ảnh “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thường được nhắc tới như là biểu tượng hay được lãng mạn hóa thành những mẫu hình lý tưởng về vai trò của nam giới và phụ nữ trong gia đình và xã hội. Người phụ nữ là người “xây tổ ấm”, tức là người vun đắp, chăm lo cho hạnh phúc gia đình, được gắn mác “thiên chức” của người phụ nữ với những đức tính như bao dung, nhẫn nhịn để gìn giữ sự êm ấm trong gia đình.
Do vậy, khi chuyện trong gia đình xảy ra, thậm chí là khi người phụ nữ bị bạo lực, bao giờ người ta cũng đặt câu hỏi, chị ấy phải như thế nào thì chồng mới thế (?)
Mới đây, liên tiếp trên mạng xã hội xuất hiện hai clip chồng bạo hành vợ ở Bắc Kạn và Hà Nội. Đặc biệt, cả hai người vợ đang bế con trên tay, một người con khác chứng kiến sự việc, thì những người đàn ông này vẫn liên tục thẳng tay dùng nhiều cú tát, đấm, đá liên tục vào những người phụ nữ.
Người đàn ông bình thường đánh vợ đã sai, đây anh này lại là người học võ, tự xưng là võ sư thì càng không thể chấp nhận được. Nếu là “võ sư” chân chính sẽ không bao giờ đánh kẻ yếu chứ chưa nói đến lại là phụ nữ - những người không có khả năng tự vệ.
Ở đây, dù nguyên nhân, cái sai có xuất phát từ ai đi nữa, thì người chồng đã thể hiện sự ứng xử, kỹ năng kém. Điều đặc biệt, hành động “vũ phu” lại diễn ra trước mặt con cái sẽ là cú “sốc” tâm lý, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ.
Bên cạnh những ý kiến phản đối hành động bạo lực của người chồng thì có không ít ý kiến quay sang chỉ trích đổ lỗi cho người phụ nữ dù chẳng biết chuyện gì đã thật sự xảy ra.
"Tính bạo lực đã đành, nhưng bà vợ cũng phải đụng chạm lắm mới thành như vậy chứ bình thường không có lửa lấy đâu ra khói"; "láo chồng mới đánh cho", "làm gì sai mới bị dạy dỗ", "đàn ông nhu nhược để vợ ngồi lên đầu mình à?". "Nếu đúng như thái độ của chị này “kễnh” như vậy thì nên đánh".
Từ vai người bị hại, những người phụ nữ bị bạo hành đã bị người ta đỗ lỗi là nguyên nhân gây nên bao lực. Có thể thấy đây là suy nghĩ những người có tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Sự đổ lỗi cho người phụ nữ chỉ xoá bớt đi lòng từ, mở đường thêm cho sự khắc nghiệt của xã hội cũ trỗi dậy. Trước hết, nó bịt mất lối thoát của nạn nhân - vì sợ bị đàm tiếu, nhiều khi phụ nữ sẽ chọn im lặng, thay vì đi tìm công lý nơi tòa án. Sự đàm tiếu làm gia tăng mặc cảm tội lỗi, dồn nạn nhân vào bước đường cùng, sống hoặc chết trong tủi nhục. Con đường rộng thoáng ngoài kia, để dành cho những người đàn ông vũ phu nhởn nhơ.
Trong khi đó, luật pháp và lối ứng xử xã hội hiện đại đang tiến theo hướng bảo vệ phụ nữ, rằng bất luận trong hoàn cảnh nào, người vợ dù thế nào thì trong xã hội văn mình không bao giờ đáng bị đánh đập. Phụ nữ là để yêu thương, phụ nữ là để nâng niu. Bởi trong một gia đình, một mái ấm thì người hy sinh, người dốc tâm dốc sức nhiều hơn luôn là phụ nữ.
Không có người phụ nữ nào ngu dại cả đời để nước mắt mình rơi vì một người không xứng đáng. Không có một người đàn bà nào chấp nhận sự hy sinh, cam chịu cả đời mà người chồng không hề biết quay đầu.
Đàn ông nên nhớ, gieo gì sẽ gặt nấy. Sẽ chẳng có người đàn bà nào chấp nhận bên anh, hy sinh, vun vén cho anh cả đời khi anh đã đối xử với họ vô cùng vô tâm, ích kỉ.