Chuyên gia mách cách đơn giản phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus
Sốt xuất huyết đang vào mùa dịch, số người mắc sốt xuất huyết đang tăng lên mỗi ngày. Làm thế nào để phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus thông thường là điều nhiều người quan tâm.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, có những khái niệm như sau:
Sốt là sự tăng nhiệt độ tạm thời của cơ thể. Sốt thường xảy ra khi cơ thể phản ứng với sự nhiễm khuẩn như virus cảm cúm hoặc cảm lạnh, viêm gây ra do tổn thương mô hoặc bệnh tật.
Sốt virus do nhiều căn nguyên virus gây ra (có tới hàng ngàn virus khác nhau). Virus gây sốt xuất huyết là virus do muỗi vằn đốt. Sau khi bị muỗi đốt truyền virus, khoảng 4-7 ngày sau, người bệnh sẽ sốt.
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Dân việt
Trẻ em khi sốt virus thường có dấu hiệu sốt cao đột ngột tới 39-40 độ kèm đau cơ bắp, đau khắp mình mẩy. Trẻ quấy khóc, đau đầu. Tuy nhiên cũng có những trẻ sốt cao nhưng vẫn tỉnh táo chơi đùa. Ở một số bé có nổi ban sau 2-3 ngày sốt.
Người lớn sốt virus, mệt mỏi là dấu hiệu đặc trưng, sau đó là đau người, tăng thân nhiệt, đau cơ. Khi nhiệt độ tăng cao là đã nhiễm trùng nặng. Sốt virus cũng khiến người lớn sốt cao tới 40 độ C. Ngoài ra, cũng có các dấu hiệu khác như ho và chảy nước mũi, nghẹt mũi, phát ban trên da.
Sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt cao (3 ngày đầu), giai đoạn diễn tiến nặng (ngày thứ 4 đến ngày thứ 7), giai đoạn hồi phục. Với sốt xuất huyết, trong giai đoạn sốt cao, chỉ có thể phân biệt với các sốt khác nhờ xét nghiệm. Các giai đoạn sau thì phân biệt nhờ xét nghiệm và diễn biến bệnh.
Bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Dân việt
Còn theo PGS.TS Bùi Vũ Huy- Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người đang sống trong vùng có sốt xuất huyết, nếu sốt trên hai ngày kèm theo hai trong ba dấu hiệu sau thì cần đến ngay các cơ sở y tế để phân biệt bệnh. Các dấu hiệu đó là:
- Đau mỏi người, nhức đầu, đau hố mắt
- Chán ăn, nôn, buồn nôn
- Có ban trên da hoặc có xuất huyết trên da.
PGS Huy cho biết, thông thường nếu không có dịch sốt xuất huyết, chỉ cần lấy tay căng da, nếu có ban tức là sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân sốt xuất huyết đang nhiều, mà bệnh nhân nhiều thì số biến chứng cũng tăng. Vì vậy trong giai đoạn này, để an toàn, mọi người nên đến các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu như kể trên.
Bài thuốc trị sốt xuất huyết cho trẻ. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe