Chửi kẻ ấu dâm: Dân mạng đừng tự gieo khẩu nghiệp cho mình!

17-03-2017 06:33:25

Đừng lấy cái sai này để giải quyết một cái sai khác. Xâm hại trẻ em là tội phạm đáng bị nguyền rủa. Nhưng, nếu nguyền rủa oan cho họ, chúng ta cũng trở thành những kẻ ác nhân chẳng đạo đức gì.

Mấy ngày qua, dư luận cả nước vô cùng căm phẫn khi trên 3 miền, liên tục xuất hiện các vụ nghi là xâm hại tình dục trẻ em. Khi theo dõi vụ việc, hầu hết các cư dân mạng đều cảm thấy phẫn uất, bất bình, bức xúc.

Họ xót xa cho các nạn nhân là những cháu bé, cho những người mẹ tội nghiệp, đau khổ một phần, còn lại, họ uất nghẹn khi thấy các đối tượng bỉ ổi kia vẫn lấp ló, nhởn nhơ, mãi chưa bị xử lý.

Nhiều người trong số họ đã không giữ được bình tĩnh, cho rằng cơ quan chức năng không quyết liệt vào cuộc, thiếu trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện bao che cho sai phạm, muốn sự việc bị "chìm xuồng".

Họ càng tin vào điều đó hơn, khi trên mạng liên tục xuất hiện các thông tin từ các nguồn không chính thống cho rằng: Vụ án ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), nghi phạm là cháu của một lãnh đạo tỉnh Thái Bình?

Còn vụ việc ở Thủ Đức, cái tên đối tượng tình nghi là Đ. viết tắt trên các báo, chính là thầy giáo tên Đông và vì là thầy giáo trong trường nên được bao che? Các chi tiết camera bị hỏng vào đúng thời gian cháu bé bị xâm hại được cho là do đối tượng đã can thiệp để xóa.

Dựa vào các thông tin thiếu nguồn kiểm chứng ấy, hàng nghìn, hàng trăm nghìn người đã mặc nhiên coi đó là sự thật. Không chỉ lập tức nhấn nút "share - chia sẻ", họ còn dẫn dắt thêm bao điều, bằng những lời cay nghiệt nhất như muốn "ăn sống nuốt tươi" nghi phạm.

Với quyết tâm "triệt tận gốc", họ còn mò mẫm vào các trang facebook của vợ, con các đối tượng bị nghi vấn để thóa mạ, dọa dẫm, khủng bố tinh thần, như thể chồng họ, người thân họ là tội phạm thực sự và gia đình phải gánh chịu những hệ quả ấy.

Theo như tôi được biết, chính vì không chịu được sự đấu tố "như nước vỡ bờ" của cư dân mạng, vợ của một thầy giáo tên Đông, đến giờ chưa biết có phải kẻ tội phạm hay không đã phải đóng cửa facebook cá nhân. Chị đang bị stress rất nặng.

Còn đích thân một vị lãnh đạo cao nhất nhì của tỉnh Thái Bình đã phải lên tiếng khẳng định rằng: "Tôi không hề có họ hàng thân thích gì với nghi phạm tên C.M. H cả". Và ông còn tuyên bố thẳng thắn: “Đến giờ mới biết mặt của người tên H. qua sự lan tỏa của mạng xã hội”.

Xâm hại tình dục là một loại án cực kỳ phức tạp. Bởi, tang chứng, vật chứng để lại thường rất ít, nhất là khi kẻ phạm tội có kinh nghiệm cố tình xóa dấu vết. Chưa kể, hầu hết nạn nhân đều là các cháu nhỏ, tâm lý non nớt, dễ hoảng loạn, vì vậy, việc lấy lời khai không hề đơn giản.

Có thể nay cháu khai như này, mai lại khai thế khác. Thậm chí cùng lúc đó, khi mẹ hỏi cháu lại nói một khác, cô giáo hỏi lại trả lời một kiểu, cơ quan chức năng hỏi có thể cháu lại nói khác hoàn toàn.

Do đó, chỉ để dựa vào lời khai của nạn nhân là chưa đủ. Nếu chỉ dựa vào lời kể của nhân chứng, như nhìn thấy kẻ tội phạm ôm ấp, ngồi cạnh nạn nhân cũng khó lòng coi đó là chứng cứ để buộc tội, nếu không có clip, hay ít ra là bức ảnh lột tả rõ nét hành vi phạm tội.

Ngay như vụ cháu bé bị ra máu ở cơ quan sinh dục và được mẹ cháu bé cho rằng bị xâm hại, đến nay, lời khai của người mẹ cũng đang có nhiều điểm thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Nhất là chi tiết chiếc quần của cháu có vết máu loang ở đũng đang được cho là không có thật, chỉ là ảnh minh họa.

Vì vậy, hiện nay, cơ quan điều tra đang cực kỳ đau đầu và chịu không ít áp lực bởi nếu thiếu thận trọng, gây hàm oan cho họ, chắc sẽ khó có gì bù đắp được.

Nói vậy không phải để bênh vực cho cơ quan chức năng, vì thực tế, đúng là ở một số vụ việc, có sự chậm chễ vào cuộc của các cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, xét đến cùng, chúng ta phải thừa nhận rằng, dư luận không thể tự phong cho mình trở thành quan tòa, làm thay công việc của họ được.

Khi chưa có quyết định của tòa án, mọi công dân đều có quyền bình đẳng, được pháp luật tôn trọng. Kể cả mặc dù có thể họ đã bị khởi tố, nhưng khi chưa xét xử, chưa bị kết án, thậm chí đã bị kết án mà án chưa có hiệu lực, họ vẫn có thể là người vô tội.

Điều này chúng ta không cần phải lấy ví dụ nhiều, vì chỉ nghe những cái tên như ông Chấn, ông Nén... là đã quá hiểu về nỗi hàm oan của những người vô tội rồi.

Nếu vội vàng tung ảnh kẻ tình nghi cùng gia đình lên để thóa mạ, nguyền rủa, kết tội, thậm chí dọa nạt "kết liễu" họ, thử hỏi, giả sử sau này khi xét xử, họ được tuyên bố vô tội, lúc đó, cộng đồng mạng có gột sạch được những gì đã bôi trát lên mặt họ không? Có ai đủ bản lĩnh đứng lên nói những lời xin lỗi? Và kể cả có nói những lời xin lỗi lúc đó, liệu có ích gì?

Đó là chưa kể, nếu vì cảm thấy nhục nhã, không chịu được sức ép, búa rìu dư luận, nhỡ may kẻ bị tình nghi là phạm tội ấy hoặc người thân của họ nghĩ quẩn, làm liều, tự tử, vậy sau khi được minh oan, cộng đồng mạng có viết tút, góp like cùng nhau lan tỏa để giúp họ sống trở lại được không?

Chửi người khác thật dễ. Nhất là khi hò nhau chửi và đối tượng bị chửi đang là kẻ yếu thế. Nhưng chửi sai thì chẳng vẻ vang gì. Chưa kể, cố tình dựng chuyện để chửi, vu khống cho người khác còn là một hành vi phạm tội. Điều này pháp luật đã có quy định cụ thể rồi.

Vậy nên, hỡi những cái đầu nóng đang nằm chung với trái tim nóng, chúng ta hãy thật sự bình tĩnh và tỉnh táo. Đừng lấy cái sai này để giải quyết một cái sai khác. Xâm hại trẻ em là tội phạm đáng bị nguyền rủa. Nhưng, nếu nguyền rủa oan cho họ, chúng ta cũng trở thành những kẻ ác nhân chẳng đạo đức gì.

Việc cần làm nhất lúc này là chúng ta hãy tự bảo vệ con em, người thân của mình. Hãy dạy cho những đứa trẻ ngây thơ kia cách biết nhận dạng, đối phó với kẻ xấu.Hãy quan tâm, dõi theo từng bước đi của đứa trẻ, khi thấy có biểu hiện khác lạ phải gần gũi chuyện trò, đồng thời đưa đi khám ngay.

Nếu phát hiện bị xâm hại, đừng ngần ngại, phải báo cáo ngay cơ quan chức năng để vào cuộc xử lý, không được bao che, dung túng cho kẻ xấu. Điều cũng quan trọng không kém, đó là chúng ta hãy tạo cho mình một sự tinh tế, để nhận biết và đề phòng ngay cả những người thân thiết xung quanh, bởi, rất nhiều kẻ xâm hại trẻ em, lại chính là người thân của các cháu.

Điều cuối cùng tôi muốn dặn, đó là khi gặp những vụ việc đau lòng tương tự, đừng vì bức xúc, nóng vội mà adua, ném đá không thương tiếc, bởi, không cẩn thận, chính chúng ta đã tự tạo "khẩu nghiệp" cho mình, dù thực tế, ta chỉ dùng bàn phím.

Đại Kê
Theo Đời sống Plus //