Chiêu PR 'bẩn' và cái giá phải trả quá đắt cho Kiều Minh Tuấn, An Nguy và Cát Phượng
Sự bất chấp của ekip truyền thông đã khiến cho những người liên quan phải trả giá quá nhiều!
Chiêu PR 'bẩn' và cái giá phải trả quá đắt cho Kiều Minh Tuấn, An Nguy và Cát Phượng
Vụ công khai "phim giả tình thật" giữa Kiều Minh Tuấn và An Nguy - hai diễn viên chính của phim "Chú ơi, đừng lấy mẹ con", trở thành tâm điểm dư luận trước khi phim ra rạp. Dù vô tình hay cố ý, là chiêu trò quảng bá hay sai lầm cá nhân nhưng khán giả đã phản ứng tiêu cực bằng cách kêu gọi tẩy chay phim vì cho rằng đó là trò PR "bẩn". Thực tế, khán giả tẩy chay thật, doanh thu khi phim này ra rạp (từ ngày 21/9) thấp đến mức không tưởng.
Mới đây, Kiều Minh Tuấn chính thức lên tiếng xin lỗi khán giả, Cát Phượng cũng như ê kíp phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con".
Kiều Minh Tuấn nói: "Sai lầm này khiến tôi day dứt rất nhiều. Tôi tự hỏi bản thân mình là loại người gì lại khiến người thân khổ như vậy. Tôi hối tiếc vì chia sẻ chuyện tình cảm với An Nguy, hối tiếc vì làm Cát Phượng tổn thương". Thế nhưng, lời xin lỗi này có đủ cứu vớt hình ảnh của Kiều Minh Tuấn?
Ông bà vẫn thường nói, "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại" nhưng có lẽ câu nói này hiện vẫn chưa đúng với Kiều Minh Tuấn. Ngay chính chia sẻ của anh trong chiều 14/10 cũng khiến khán giả không hài lòng, thậm chí nhà sản xuất phim khẳng định vẫn kiện dù Kiều Minh Tuấn đã xin lỗi.
Có thể thấy đây là một chiến lược truyền thông lỗi và hỏng, được xây dựng bởi những cái đầu chỉ muốn nhanh có kết quả. Một bộ phim xây dựng hướng nhân văn, đề cao giá trị gia đình mà lại đưa các diễn viên vào ngõ cụt, bị cả xã hội lên án và quay lưng, thậm chí chỉ trích gay gắt, kêu tẩy chay.
Sự bất chấp của ekip truyền thông đã khiến cho những người liên quan mất mát quá nhiều.
Đối với nữ chính An Nguy, từ một biểu tượng thành công của giới Vlogger, An Nguy đang bị gán mác “hồ ly tinh”, “con giáp thứ 13”, “người đàn bà đáng ghét và ấu trĩ”.
Với Kiều Minh Tuấn, hình ảnh xây dựng bao lâu của anh cũng đã bị ảnh hưởng tiêu cực. Từ một diễn viên được đánh giá có khả năng diễn xuất, anh bị gán mác chỉ thích gây chú ý nhờ chiêu trò khi ra mắt phim. Khán giả còn dùng từ giả dối, đạo đức giả, bám váy đàn bà để gây chú ý khi nói về Kiều Minh Tuấn.
Và cuối cùng Cát Phượng lại trở thành tội đồ và bị chỉ mặt đặt tên là đứng sau màn kịch vụng về này dù chị là diễn viên chuyên nghiệp. Đáng thương hơn tất cả, đó là thương cho cả nhà sản xuất bị lỗ gần chục tỷ. Số tiền không hề nhỏ được bỏ ra.
Và thương nhất có lẽ là hai diễn viên nhí tham gia bộ phim, vì đáng lẽ ra, với tài năng của các em, bộ phim được làm truyền thông một cách tử tế thì danh tiếng của các em chắc chắn sẽ vươn cao.
Không chỉ điện ảnh, bất kỳ sản phẩm nào muốn đến được với công chúng nhà sản xuất cần phải quảng bá đến khán giả. Nhưng quảng bá thế nào để mang lại hiệu quả, công chúng thấy được những giá trị ở đó để tìm đến chứ không phải tạo chú ý bằng chiêu trò gây sốc.
Khán giả ngày nay khác trước và đã qua thời của những chiêu trò có thể gây tò mò, tạo chú ý trong công chúng. Vấn đề trọng tâm vẫn là chất lượng phim, các hình thức quảng bá chỉ có thể tạo chú ý ở giai đoạn đầu, chất lượng mới quyết định thắng hay bại. Nếu phim hay, sau khi ra rạp, khán giả truyền tai nhau, chia sẻ trên mạng xã hội sẽ thu hút chú ý. Phim không hay thì dù có quảng bá nhiều kiểu, khán giả phản hồi tiêu cực, vẫn nhận quả đắng như thường!