Chỉ vì món đồ chơi nhiều trẻ yêu thích, bé trai 6 tuổi suýt mất mạng

24-02-2020 15:00:38

Khi nhập viện các bác sĩ xác định cháu bé đã bị thủng dạ dày và hồi tràng do dị vật rỉ sét sâu trong ruột.

Trao đổi với Nhịp sống Việt ngày 24/2, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu cho 1 trường hợp nuốt dị vật vô cùng nguy hiểm. Nạn nhân là bé N.H.L. (6 tuổi, ngụ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội.

Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết 6 ngày trước khi nhập viện, bé có nằm chơi một loại nam châm bi từ tính. Khi nghe con than đau bụng liên tục, người mẹ gặng hỏi nhưng mãi thì bé mới khai đã nuốt bi.

Bệnh nhi được đưa đến một bác sĩ gần nhà, để cho dùng thuốc xổ suốt mấy ngày liên tục nhưng dị vật vẫn không thoát ra ngoài. Lo sợ, gia đình liền đưa bé lên BV Nhi đồng 1, TP.HCM cấp cứu.

Tại đây sau khi thăm khám và làm các cận lâm sàng, chụp X-quang, ekip điều trị phát hiện dị vật đã vào sâu trong ruột. Ca mổ lấy dị vật được thực hiện khẩn, lấy ra 3 viên bi rỉ sét cho bệnh nhi. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện dị vật đã gây thủng dạ dày và hồi tràng, may mắn là bé chưa bị viêm phúc mạc.


3 viên bi nam châm từi tính được lấy ra từ ruột của bệnh nhi. Ảnh: Nhịp sống Việt.

Theo tìm hiểu, loại đồ chơi châm bi từ tính được quảng cáo trên mạng là dành cho trẻ từ 7 tuổi trở lên và phù hợp nhất là trẻ trên 13 tuổi.Người chơi dùng các viên bi với lực hút cực mạnh để sắp xếp các hình thù theo ý mình.Vì màu sắc bắt mắt nên loại đồ chơi này được nhiều trẻ em yêu thích.

Trên thực tế tại Bệnh viện Nhi đồng 1 thời gian vừa qua thường xuyên tiếp nhận rất nhiều ca trẻ nhỏ hóc, nuốt dị vật. Mới đây bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận điều trị bé T.Đ.K. (3 tuổi, nhà ở Bạc Liêu). Bé được nhập Khoa Cấp cứu trong tình trạng chướng bụng kèm ói suốt 9 ngày.

Qua thăm khám và thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trong bụng em bé có các vật thể cản quang xếp thành hàng ngang. Bé được tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật. Trong lúc mổ các bác sĩ ghi nhận có 6 thỏi nam châm cùng 3 kim bấm, phần hồi tràng (đoạn ruột non) bị thủng do kim bấm, phải cắt bỏ 20 cm ruột. 

Theo các bác sĩ, nuốt dị vật là một vấn đề thường gặp với trẻ em ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi. Trẻ nhỏ thường hay khám phá thế giới xung quanh bằng việc cho mọi thứ vào miệng. Trong nhiều trường hợp, các dị vật sẽ được đưa ra khỏi cơ thể theo đường đại tiện.

Nhưng một số trường hợp các dị vật này nằm lại trong đường tiêu hóa và gây ra những biến chứng nặng nề như thủng ruột, tắc ruột hoặc có thể nằm ở thanh quản gây ra tắc đường thở cấp tính, thậm chí có thể gây tử vong nếu không cấp cứu đúng cách kịp thời.

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ nên để những vật nhỏ dễ nuốt tránh xa tầm tay của trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.


Các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ để những vật nhỏ dễ nuốt tránh xa tầm tay của trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc do hóc dị vật.

Những vật nuốt phải phổ biến nhất là: đồng xu, viên pin nhỏ, cúc áo, hòn bi, hòn đá, móng tay, đinh vít, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ, các bộ phận của những món đồ chơi như xe, máy bay… (nhất là đồ chơi chạy bằng pin).

Ngoài ra để tránh nguy cơ trẻ hóc dị vật, nuốt dị vật, các phụ huynh cần chú ý những vấn đề sau:

- Cần tìm hiểu, nắm rõ về mức độ nguy hiểm của việc để trẻ nuốt phải dị vật.

- Rèn ngay không cho trẻ thói quen ngậm đồ chơi, đồ vật trong nhà của trẻ.

- Phụ huynh không nên cho trẻ cười đùa trong khi ăn. Việc làm này dễ khiến trẻ bị nghẹn, hóc và khiến cho dị vật (nếu có) xuống sâu hơn, khó xử lý.

- Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, có nhiều xương; nên cho trẻ ăn những thức ăn nhỏ, mềm...

- Khi cho trẻ ăn, phải quan sát cho trẻ nhai kỹ, chậm rãi và theo dõi trẻ liên tục.

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN //