Chỉ cần giữ ấm 6 bộ phận này cho trẻ, trời lạnh mấy cũng không sợ ốm

14-12-2018 06:48:21

Khi thời tiết chuyển lạnh, cha mẹ cần giữ ấm 6 bộ phận cơ thể này cho trẻ để tránh việc mắc phải các bệnh thông thường.


Chỉ cần giữ ấm 6 bộ phận này, trời lạnh mấy cũng không sợ bé mắc phải các bệnh thông thường

Khi thời tiết trở lạnh, trẻ thường gặp các vấn đề về hô hấp. Nhẹ thì ho, sổ mũi, nặng thì viêm phế quản, viêm phổi. Chính vì vậy mà các bậc cha mẹ thường rất lo lắng, mặc rất nhiều quần áo để ủ ấm cho trẻ.

Tuy nhiên theo Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thu Nguyệt - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, thân nhiệt của trẻ em cao hơn người lớn nên rất dễ đổ mồ hôi ở những vùng được ủ ấm quá mức. Nếu như cha mẹ không kịp thời thay những chiếc quần áo ẩm thì mồ hôi có thể bị nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp. 

Để ngăn chặn điều đó, các phụ huynh cần phải biết cách bảo vệ 6 bộ phận dưới đây để ngăn chặn khí lạnh xâm nhập vào bên trong cơ thể. 

Cổ họng

Ho dai dẳng chính là tình trạng xảy ra đối với những bé không được giữ ấm cổ một cách cẩn thận. Cổ là một bộ phận có công dụng làm cầu nối của đầu và toàn bộ cơ thể, nó cũng là đường hô hấp chính. 

Vậy nên, khi mùa đông đến tốt nhất bạn hãy mặc áo cổ cao, quàng khăn cho bé mỗi khi ra đường và cởi bỏ khăn khi vào nhà hoặc nơi kín gió để bé được thông thoáng và thoải mái.

Đầu

Đầu là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, chỉ cần phần đầu bị lạnh trẻ sẽ dễ bị cảm cúm, chảy nước mũi, đau đầu, đau răng. Hơn nữa đầu cũng được xếp vào danh sách các bộ phận không giỏi chịu nhiệt lượng của cơ thể.

Chính vì vậy khi trời trở lạnh, cha mẹ nên đội cho trẻ một cái mũ thóp nhưng khi ra bên ngoài, cha mẹ cần đội mũ ấm che kín đầu và cổ.


Khi trời trở lạnh, cha mẹ nên đội mũ cho trẻ khi ra ngoài

Hai bàn chân

Chân được coi như "trái tim thứ hai" của cơ thể con người vì có rất nhiều mạch máu, nhất là phần dưới mắt cá chân. Khi bàn chân bị lạnh, cả cơ thể rất dễ bị gai lạnh. Tuy nhiên, đây là bộ phận trẻ nhỏ hoạt động nhiều nhất nên thường bị để trống, không đeo tất hoặc ủ ấm.

Cha mẹ nên đeo tất chân và đi giày dép đầy đủ cho trẻ mỗi khi đi ra ngoài hay khi ở nhà. Trước khi đi ngủ có thể hướng dẫn con ngâm châm vào nước ấm khoảng 10-15 để tốt cho mạch máu cơ thể.

Hai bàn tay

Đôi bàn tay là bộ phận nhiều mẹ hay quên giữ ấm cho con nhất. Một phần cũng vì bé thường thích nô đùa, hoạt động tay nên thường tháo gang tay ra để dễ chơi nên nghiễm nhiên bị nhiễm lạnh. Tay bị nhiễm lạnh thường ảnh hưởng đến các khớp tay, da dẻ bị nhăn nheo.

Vì thế, hãy nhắc con đeo bao tay thường xuyên khi đi ra ngoài. Trong nhà thì chỉ cần thi thoảng xoa hai bàn tay vào nhau để máu huyết lưu thông, giữ ấm toàn cơ thể.

Mũi

Mũi đỏ ửng vào mùa đông chính là hiện tượng thường gặp ở nhiều trẻ nhỏ. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với thời tiết lạnh nhưng không được bảo vệ.

Mặt khác, nếu hít phải không khí lạnh, bé sẽ bị viêm mũi, có thể dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, viêm thanh quản. Vì vậy, bạn nên đeo cho bé một cái khẩu trang mềm mại khi đi ra ngoài trời lạnh sẽ giúp bảo vệ mũi cho bé. Những lúc rảnh rỗi hoặc trẻ kêu lạnh có thể massage nhẹ nhàng hai bên cánh mũi, tốt nhất là trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Trước khi thực hiện, mẹ nhớ làm nóng đôi bàn tay để bé có cảm giác ấm hơn.

Bụng

Phần bụng liên quan đến hệ tiêu hóa và cực kì nhạy cảm khi thời tiết lạnh. Rất nhiều bé gặp phải tình trạng đi ngoài, tiêu chảy vào mùa đông, đó là vì phần bụng của bé bị nhiễm lạnh, nhu động ruột tăng lên. Nếu để tình trạng này kéo dài bé có thể bị mất nước, sốt cao và sức để kháng mất dần.

Vì thế khi mặc quần áo cho trẻ cần chú ý mặc trùm qua mông là tốt nhất vì trẻ thường nô đùa, chạy nhảy và để hở phần bụng. Hoặc mẹ cũng có thể mua các sản phẩm quấn bụng cho trẻ khi ngủ. Massage nhẹ nhàng phần bụng và lưng cũng là một cách giữ ấm và còn giảm táo bón, tốt cho dạ dày.

Cũng theo bác sỹ Trần Thu Nguyệt, khi trời lạnh, nếu gia đình có điều kiện nên bật điều hòa nóng hoặc sử dụng máy sưởi. Nhưng nếu lạm dụng hai thứ này sẽ khiến không khí không được lưu thông, trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, làm tổn thương đến da và đường hô hấp của trẻ. Nếu bật điều hòa bạn nên để ở mức 28 độ C, nếu sử dụng máy sưởi nên kèm theo một máy làm ẩm không khí, tuyệt đối không đặt gần trẻ.

Ngoài ra, có một số thực phẩm tăng khả năng giữ ấm cho trẻ như các chất bột đường, các chất béo và đạm. Bạn có thể bổ sung thêm nhưng không quá 30% khẩu phần ăn của trẻ. Bạn cũng có thể cho trẻ vận động nhưng cần kiểm tra xem bé có ra mồ hôi hay không để can thiệp kịp thời.

Xem thêm video: Bác sĩ đông y chia sẻ bài thuốc giúp trẻ suy dinh dưỡng tăng cân

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN //