Cả nước ghi nhận hơn 236.700 ca mắc sốt xuất huyết, 98 ca tử vong
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 236.730 trường hợp mắc, 98 ca tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,6 lần, tử vong tăng 78 trường hợp.
Ảnh minh họa.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 11.118 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 2 trường hợp tử vong. So với tuần trước số mắc giảm 7,3%. Trong đó, số nhập viện so với tuần trước giảm 7%. Như vậy tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 236.730 trường hợp mắc, 98 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,6 lần, tử vong tăng 78 trường hợp.
Trước đó, tối 4/10, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), kể từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 62.085 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360 ca. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện, thành phố có khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện muộn khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.
Nhằm hạn chế số ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất trong thời gian tới, Sở Y tế TP HCM đã quyết định áp dụng kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 để ứng phó với dịch sốt xuất huyết. Theo đó, Sở Y tế đã có văn bản gửi tới các cở sở y tế trên địa bàn về việc áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp để hạn chế thấp số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 23 - 29/9), trên địa bàn thành phố ghi nhận 807 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 9,3% so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố ghi nhận 4.720 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong.
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 465/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành trên địa bàn thành phố là D1 và D2, D4.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ký, ban hành Công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn. Trong Công điện nêu rõ, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, tuyệt đối không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên lau rửa, đậy kín các bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào các vùng nước đọng, hốc nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi để phòng muỗi đốt ....
Đặc biệt, khi phát hiện sốt phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Dịch sốt xuất huyết bùng phát theo mùa, có tính chất chu kỳ. Do thời tiết thời gian qua nóng ẩm, kèm nhiều mưa là điều kiện thích hợp để loăng quăng, bọ gậy phát triển.