Bé trai phải chạy ECMO và lọc máu suốt 1 tháng sau khi bị ong vò vẽ đốt 15 vết

21-07-2022 07:37:38

Sau khi bị ong vò vẽ đốt 15 vết, bé trai phải chạy ECMO và lọc máu liên tục. Các bác sĩ cho biết nếu cấp cứu chậm, không hỗ trợ ECMO kịp thời bé có thể bị ngưng tim.

Sáng 21/7, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc bệnh viện này đang điều trị cho một bệnh nhi bị ong vò vẽ đốt 15 vết.

Bệnh nhi là bé trai L.G.B. (5 tuổi, ngụ tại Bình Tân, TP.HCM). Theo người nhà bệnh nhi, bé bị ong vò vẽ làm tổ trước sân nhà tấn công. Sau khi bị chích, bé nhanh chóng có các triệu chứng như nôn ói, tiêu lỏng, tiểu ít, khó thở, sưng vết chích rồi dần mê man, sưng phù mi mắt... Người nhà đã nhanh chóng sơ cứu giảm đau các vết đốt tại chỗ bằng lá môn và vôi trầu.

Khoảng 8h sau đó, người nhà mới đưa bé đến nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Thời điểm nhập viện, bé trong tình trạng lừ đừ, môi tái, oxy máu thấp, tay chân mát lạnh, mạch nẩy mờ khó bắt, huyết áp tụt nghiêm trọng khó đo, vàng da vàng mắt, vết chích hoại trung tâm 15 vết ở đầu, lưng, mông, sưng mi mắt.

Bé G. đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Các bác sĩ đã nhanh chóng đặt nội khí quản thở máy, tăng nhanh liều vận mạch nhiều loại, kháng viêm mạnh toàn thân, kháng dị ứng, nhanh chóng xử trí phản vệ. Tuy nhiên, tình trạng suy đa tạng ở bé B. tiến triển nhanh chóng và vẫn chưa thể khống chế được độc tố trong cơ thể bé.

Các bác sĩ chuẩn đoán bé bị suy gan thận, chức năng tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rối loạn đông máu, tổn thương phổi rất nặng, thở máy và trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, tốc độ thở máy của bệnh nhân đã không kiểm soát được.

Bé được chỉ định khẩn chạy ECMO chế độ VAV (vừa hỗ trợ tim và phổi nhân tạo cùng lúc và tối ưu nhất), đồng thời lọc máu liên tục. Các bác sĩ cho biết nếu cấp cứu chậm, không hỗ trợ ECMO kịp thời bé có thể bị ngưng tim.

Tình trạng bé đang dần cải thiện sau khi được điều trị tích cực, được cai ECMO sau hơn nửa tháng và rút ống nội khí quản ổn định. Sau một tháng điều trị, tình trạng suy đa tạng của bé cải thiện tốt, tổn thương phổi đang dần ổn định trở lại.

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, thông thường mức độ nặng do ong đốt tùy thuộc vào số lượng vết đốt. Đối với người lớn, khi ong đốt hơn 30 nốt sẽ gây sốc phản vệ, tổn thương gan thận, nhưng trẻ con thì chỉ cần hơn 10 vết đốt đã có thể dẫn đến sốc, tổn thương đa cơ quan, tán huyết, suy thận cấp... thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Bác sĩ Thy khuyến cáo, nếu không may trẻ bị ong đốt, các bậc phụ huynh cần tìm cách nhanh chóng lấy được nọc ong ra khỏi cơ thể bé. Ngay sau đó, rửa sạch vết ong đốt bằng xà phòng, chườm lạnh để giảm đau tại chỗ.

Riêng với người có cơ địa như viêm da, dị ứng khi thấy nổi mẩn đỏ và có dấu hiệu khó thở sau khi bị ong chích, nên đưa ngay đi bệnh viện. Tuyệt đối không châm kim cho máu chảy ra hay đắp các loại thuốc lá không rõ nguồn gốc vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Ngoài ra, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức, đặc biệt là khi có các dấu hiệu bất thường, tránh trường hợp nhập viện muộn khi đã sốc sâu, suy đa tạng.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //