Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu trẻ bị hóc thạch và các loại hạt ngày Tết

28-01-2017 11:29:50

Trường hợp trẻ bị hóc dị vật, nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu dị vật lạc vào đường thở.

Hàng năm, mỗi dịp nghỉ Tết, số lượng trẻ bị hóc dị vật thường gia tăng. Các loại dị vật trẻ thường gặp phải là các loại hạt như: hướng dương, hạt bí, hạt đậu… hoặc các loại đồ ăn khác như thạch, mứt…

Đáng lưu ý, khi trẻ bị hóc các loại dị vật này, phụ huynh thường không biết cách sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách khiến tai nạn ở trẻ ngày càng trầm trọng hơn. Trước vấn đề trên, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, khi trẻ bị hóc dị vật, việc xử lý sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng.

PGS Thúy cho biết, khi cấp cứu cần bế thốc xuống để đầu hướng xuống đất, vỗ đứa trẻ để dị vật rơi ra rồi đưa đi cấp cứu. Có vài khả năng xảy ra như: ho và dị vật rơi ra; Tắc ngay tại đó, gây khó thở, tím tái; Tịt xuống dưới phổi, không có cách nào gỡ ra được. Trường hợp này phải nhờ đến nhân viên y tế nội soi phế quản, gây mê mới làm được.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi trẻ bị hóc dị vật đường thở, nhiều trường hợp chỉ cần từ 5-6 phút sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong. Vậy nên, khi phát hiện trẻ bị sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý sơ cứu lấy dị vật ra ngoài đường thở cho trẻ.

Bác sĩ Dũng hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật

Riêng đối với những trẻ từ 2 tuổi trở lên, khi phát hiện bị hóc dị vật cần bế trẻ ôm vào trong bụng, lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.

Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.

Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ, ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh.

PGS Dũng cảnh báo, đối với các trường hợp trẻ, kể cả người lớn bị hóc dị vật tuyệt đối không vuốt xuôi, vì làm thế vô tình khiến dị vật chui sâu vào phổi khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn. Sau khi làm thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được, phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Khi trẻ bị hóc, mẹ phải tìm cách xử lý thông minh nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng

Còn đối với trường hợp trẻ bị hóc thạch, vì đây là dị vật mềm nên dễ trôi và ôm khít lấy đường thở khiến trẻ ngạt thở nhanh chóng, thiếu oxy lên não. Khi đến viện, việc gắp dị vật khỏi đường thở cũng rất khó khăn bởi thạch trơn, dễ nát. Đó là lý do hầu hết các ca hóc thạch đều tử vong.

Vì thế, để đề phòng những trường hợp đáng tiếc do hóc dị vật gây ra, PGS Diệu Thúy khuyến cáo, đối với trẻ nhỏ đặc biệt từ 6 tháng đến 4-5 tuổi rất dễ bị hóc dị vật. Khi ăn uống nên cho trẻ ngồi một chỗ, không nên nô đùa, làm động tác có phản xạ khi ăn là biện pháp ưu tiên phòng ngừa hàng đầu, khuyến khích bé nhè ra nếu chẳng may bị hóc.

Clip hướng dẫn xử lý khi trẻ bị hóc dị vật. Nguồn: VTV

Lê Phương
Theo Khám phá //