Bác sĩ cảnh báo những tai biến sản khoa mẹ bầu nào cũng phải cẩn trọng
Thời gian vừa qua đã xảy ra hàng loạt các vụ tai biến sản khoa khiến chị em mang thai lo ngại. Trên thực tế, ngay từ lúc mang thai, mẹ và con đều phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, không phải ai cũng có thể mẹ tròn con vuông.
Thời gian vừa qua xảy ra liên tiếp nhiều tai biến sản khoa khiến mẹ bầu hoang mang.
Theo Ths.BS Tạ Việt Cường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay ở mỗi giai đoạn thai kỳ, bà bầu có những tai biến khác nhau.
Ở giai đoạn đầu tiên, người mẹ cần quan tâm về việc thai nhi đã vào tử cung hay chưa. Nếu trường hợp phôi thai phát triển ngoài tử cung là một vấn đề rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ khi không phát hiện kịp thời.
“Thai ngoài tử cung có thể vỡ bất cứ lúc nào. Khi thai bị vỡ có thể sẽ chảy máu ồ ạt vào trong ổ bụng. Sản phụ có thể bị ngất hoặc tử vong nếu không kịp tới bệnh viện”, bác sĩ Tạ Việt Cường nói.
Ngoài ra, những người từng sinh mổ còn có nguy cơ thai bám vào vết mổ cũ của tử cung. Đây cũng là một trong những dạng mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm bởi nếu không phát hiện sớm khi thai còn nhỏ để kịp thời xử lý sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho sản phụ. Trường hợp thai bám vào sẹo tử cung nếu phát hiện muộn khi thai đã đủ tháng sẽ gây ra chảy máu dữ dội khi sinh.
Vào tam cá nguyệt thứ 2, thai kỳ được đánh giá ổn định nhất. Tuy nhiên, theo bác sĩ Cường, giai đoạn này, các sản phụ cũng cần phải chú ý tới nguy cơ dọa sảy thai, ra máu bất thường, nhau bám thấp.
Nhau bám thấp có thể gây ra tình trạng ra máu âm đạo, máu có màu đỏ tươi, ra từng đợt ít hoặc nhiều, thậm chí bác sĩ còn nghi ngờ tới nhau tiền đạo gây sảy hoặc sinh non.
Bác sĩ Cường cảnh báo 3 tháng cuối của thai kỳ là quãng thời gian có nhiều tai biến dồn dập nhất. Trong đó, cần phải chú ý tới tiền sản giật và sản giật. Khi thai phụ lên cơn giật có thể ngạt thở tím tái, tử vong do cắn vào lưỡi, suy gan, suy thận, phù phổi cấp…
Sản giật và tiền sản giật có thể gặp ở người cao huyết áp mạn tính, rối loạn máu khó đông, tiểu đường, bệnh thận, bệnh tự miễn như lupus. Một số yếu tố di truyền do gia đình có người từng bị, chế độ dinh dưỡng kém…
Biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở một số sản phụ có nhau bám thấp, nhau tiền đạo gây sinh non, chảy máu ồ ạt, vỡ tử cung nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ. Tai biến này thường gặp ở những sản phụ mổ lấy thai nhiều lần, có sẹo mổ cũ. Các trường hợp này khi thấy bụng đau cần phải tới cơ sở y tế ngay lập tức.
Hình minh họa về một ca sinh mổ.
“Một cấp cứu sản khoa nguy hiểm ở giai đoạn cuối thai kỳ cần phải biết đến đó là nhau bong non, diễn biến nhanh và chảy máu nặng bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong là rất cao”, bác sĩ Tạ Việt Cường nói.
Còn trong giai đoạn chuyển dạ, trong trường hợp vỡ ối, các tế bào ối vào mạch máu gây tắc mạch ối cũng là một tối cấp cứu sản khoa. Tắc mạch ối nếu xảy ra ở cơ sở y tế không có chuyên khoa sản hoặc có chuyên khoa sản nhưng ở tuyến dưới tỷ lệ tử vong là rất cao. Những tai biến này sẽ được xử lý tốt hơn nếu xảy ra ở bệnh viện tuyến trung ương.
Thậm chí, khi đã mẹ tròn con vuông, thai phụ vẫn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị băng huyết, đờ tử cung. Theo bác sĩ Cường, mọi trường hợp sản phụ sau sinh đều có yếu tố nguy cơ trên. Yếu tố nguy cơ sẽ tăng ở các trường hợp thai quá to, đa thai, nạo hút thai nhiều lần, sinh nhiều lần.
Trước những mối nguy trên, chuyên gia khuyến nghị chị em nên trang bị kiến thức về sinh sản, đặc biệt giai đoạn tiền hôn nhân. Trong thai kỳ, người mẹ cần theo dõi chặt chẽ, khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Khi gặp bất cứ vấn đề gì trong thai kỳ, thai phụ cần phải tới gặp bác sĩ theo dõi sớm, tránh hậu quả đáng tiếc.