Ăn tiết canh lợn, người đàn ông nhập viện trong tình trạng nguy kịch

21-12-2018 15:12:29

Sau khi ăn tiết canh khoảng 1 tuần, người đàn ông 62 tuổi ở Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng bị suy đa tạng.


Chân bệnh nhân bị hoại tử nặng do bệnh liên cầu lợn

Ngày 20/12, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân suy đa tạng sau khi ăn tiết canh.

Bệnh nhân là ông Vũ Văn B. (62 tuổi, trú tại phường Hòn Gai, TP Hạ Long). Trước đó, ngày 18/12, ông B. được người thân đưa đến nhập viện cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp, nhiễm trùng huyết nặng, cẳng chân phải sưng, đau nhiều. Khi ở nhà, bệnh nhân đã bị sốt cao, rét run, đau bắp đùi, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong khoảng 1 tuần sau khi ăn tiết canh lợn, theo Người lao động.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng do bệnh liên cầu lợn. Bệnh nhân được lọc máu, dùng thuốc kháng sinh. Chiều hôm sau, tình trạng bệnh nhân nguy kịch với triệu chứng sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp, suy đa tạng, cẳng chân sưng phồng, tím tái, diễn biến hoại tử, nguy cơ cao tử vong cao.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định cho thở máy qua ống nội khí quản, đặt máy tim phổi nhân tạo ECMO hỗ trợ quá trình hô hấp và tuần hoàn của cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: "Bệnh nhân nếu không được lọc máu kịp thời thì có thể tử vong chỉ trong 2-3 ngày. Sau khi đặt máy tim phổi nhân tạo ECMO, bệnh nhân đang trong tình trạng an thần, thở máy, các chỉ số sinh tồn ổn định".

"Khoảng 50-60% bệnh nhân đã được cứu sống tại một số bệnh viện tuyến trung ương bởi kỹ thuật ECMO nên chúng tôi tin tưởng ca bệnh này sẽ qua khỏi" - bác sĩ Mạnh nói.


Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy

Liên cầu lợn nguy hiểm thế nào?

Liên cầu lợn là loại vi khuẩn thường trú trên hầu họng lợn và có thể gây bệnh cho người nếu tiếp xúc trực tiếp. Dấu hiệu ban đầu của bệnh thường là sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, đi ngoài... dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Do vậy, bệnh nhân nhập viện thường bệnh đã chuyển nặng như suy hô hấp, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn.

Việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng và bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm sau khi được trị khỏi. Việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng và bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm sau khi được trị khỏi.

Theo VnExpress, để phòng bệnh, người dân cần không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có các phương tiện phòng hộ.


Xem thêm video: Dân ùn ùn xem mẹ con "rắn thần" xuất hiện trên mộ vô danh ở Quảng Bình

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //