27 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin mở rộng
Có 27 trong số 30 trường hợp bị tai biến nặng sau tiêm chủng mở rộng ở các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương...
6 tháng đầu năm 2018, 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Ảnh minh họa.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Cụ thể, có 27 trường hợp liên quan tới các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và 3 trường hợp liên quan vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ.
Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 12 tỉnh, thành phố bao gồm Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Sơn La, Đắc Lắc, Bình Định, Hậu Giang, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bảng tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm chủng theo nguyên nhân
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, 18 người tai biến nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem (17 trường hợp sau tiêm vắc xin Quinvaxem - OPV và 1 trường hợp sau tiêm vắc xin Quinvaxem-OPV- Rotarix) trên tổng số 2.551.051 liều vắc xin Quinvaxem, 3.615.000 liều vắc xin OPV và 6.802 liều vắc xin Rotarix đã sử dụng. Theo đánh giá, tỷ lệ phản vệ sau tiêm vắc xin Quinvaxem là thấp hơn so với thống kê của Tổ chức Y tế thế giới.
7 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin VGB và một trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin BCG ( 6 trường hợp sau tiêm VGB, 1 trường hợp sau tiêm VGB-BCG, 1 trường hợp sau tiêm BCG) trên tổng số 687.545 liều vắc xin VGB và 1.403.000 liều vắc xin BCG đã sử dụng.
Các trường hợp này đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh họp đánh giá. Hội đồng kết luận, ghi nhận 24 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ (13%); 21 trường hợp phản vệ/phản ứng quá mẫn sau tiêm chủng (70%) và 5 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng không rõ nguyên nhân (17%). Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.
Xem thêm VN ngưng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem