WHO nêu thông tin mới về Omicron, người Philippines chưa tiêm vắc xin phải ở nhà
Theo Worldometer, thế giới có 300.546.523 ca mắc Covid-19, gồm 2.367.571 ca mới. Só ca tử vong là 5.488.914 ca, gồm 6.264 ca mới.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tại Philippines, hôm qua (6/1), Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết những người chưa tiêm vắc xin Covid-19 sẽ có nguy cơ bị bắt nếu không tuân theo lệnh lưu trú tại nhà khi tình trạng lây nhiễm đạt mức cao nhất trong 3 tháng. Ông yêu cầu các nhà lãnh đạo cộng đồng tìm kiếm người chưa tiêm vắc xin và đảm bảo họ bị giam giữ trong nhà họ.
Bộ Y tế Philippines cho biết số ca mắc hàng ngày ở đây đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 26/9 với 17.220 ca vào hôm qua, gồm ca mắc biến thể Omicron.
Hiện Philippines có tổng số hơn 2,88 triệu ca mắc và hơn 51.700 ca tử vong – cao thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia.
Tại Malaysia, Bộ Y tế hôm qua cho biết đã chấp thuận có điều kiện cho việc dùng vắc xin Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Đây là vắc xin do công ty Cansino của Trung Quốc sản xuất vốn sử dụng để tiêm nhắc lại cho người trên 18 tuổi.
Malaysia là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất Đông Nam Á. Tuần trước, nước này đã giảm khoảng cách giữa 2 mũi tiêm để khuyến khích nhiều người tiêm nhắc lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.
Theo thống kê của chính phủ, hầu hết dân số nước này đã tiêm 2 liều vắc xin, bao gồm gần 98% người lớn và 88% người ở độ tuổi từ 12 đến 17.
Malaysia báo cáo 245 ca mắc Omicron và sẽ tạm đình chỉ tất cả các chuyến bay chở tín đồ tôn giáo tới Ả rập Saudi trong một tháng từ thứ 7 tới.
Tại Israel, dữ liệu đã hỗ trợ bằng chứng ngày càng tăng trên thế giới cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn các biến thể trước đó, ngay cả khi nước này phải vật lộn với số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục. Tổng số ca nhập viện hôm thứ 4 là 363 bệnh nhân sau khi Bộ Y tế báo cáo hơn 16.000 ca mới – mức cao kỷ lục ở Israel kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Người đứng đầu Bộ Y tế cộng đồng Sharon Alroy – Preis cho biết dữ liệu ban đầu, có thể chưa hoàn toàn chính xác, cho thấy 7-8 người nhập viện khi có 1.000 nhiễm bệnh, 2 người trong số đó sẽ bị nặng. Trong khi đó với biến thể Delta, ít nhất 10 người sẽ bị bệnh nặng khi có 1.000 ca mắc.
Các quan chức của WHO cho biết biến thể Omicron dễ lây nhiễm dường như gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với chủng Delta vốn chiếm ưu thế toàn cầu. Tuy nhiên, Omicron không nên được phân loại là “nhẹ’.
Người đứng đầu WHO về quản lý lâm sàng Janet Diaz cho biết các nghiên cứu ban đầu cho thấy người mắc Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn mắc Delta. Ngoài ra, nguy cơ bệnh nặng cũng giảm cả ở người trẻ và người lớn tuổi.
Các nhân xét trên phù hợp với những dữ liệu khác từ nghiên cứu ở Nam Phi và Anh, mặc dù bà không nêu chi tiết về các nghiên cứu hoặc độ tuổi của các trường hợp được phân tích.
Tác động đối với người cao tuổi là một trong những câu hỏi lớn chưa được giải đáp về biến thể mới vì hầu hết các trường hợp nghiên cứu đến nay là ở người trẻ tuổi.
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, mặc dù Omicron có vẻ ít nghiêm trọng hơn so với Delta, đặc biệt là ở người được tiêm chủng, nhưng điều đó không có nghĩa là nó được phân loại là nhẹ.
“Cũng giống như các biến thể trước đó, Omicron đang khiến mọi người nhập viện và nó đang gây chết người” – ông nói.