Vụ Khaisilk bán khăn "dởm": Bài toán hóc búa nhất là gì?
Bài toán hóc búa nhất trong vụ Khaisilk bán khăn "dởm" là cơ quan chức năng chưa thống kê được định lượng về số hàng hoá đã tráo nhãn mác, giá trị thu lợi bất chính của doanh nghiệp.
Bài toán hóc búa nhất trong vụ Khaisilk bán khăn "dởm" là khó xác định mức độ gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chuyện Khaisilk bán khăn "dởm" được lộ tẩy khi trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”.
Theo anh Quỳnh, ngày 17/10, Công ty của gia đình anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”. Công ty cho kiểm tra toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác cùng màu với mác "Made in China" tại viền khăn.
Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk sau đó đã thừa nhận trước báo chí ông này bán khăn Trung Quốc từ những năm 1990 và cho biết một nửa số hàng khăn của Khaisilk nhập từ Trung Quốc, nửa còn lại nhập từ các làng lụa truyền thống như Nha Xá, Hà Nam. Mặc dù vậy, người dân làng Nha Xá cho rằng Khaisilk rất hiếm khi mua khăn tại làng nghề, đặc biệt trong vòng 5 năm gần đây.
Đây là sự việc gây rúng động dư luận trong thời gian vừa qua, khi niềm tin của người tiêu dùng đã bị đánh cắp trong thời gian dài, làm ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu lụa truyền thống trên cả nước.
Xung quanh vụ việc này, trao đổi với báo điện tử Diễn đàn đầu tư sáng ngày 1/11, luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, thứ nhất, về tội danh. Hành vi giả xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc thành Việt Nam là hành vi buôn bán hàng giả hay đây chỉ là thủ đoạn để lừa dối khách hàng. Vì tội Buôn bán hàng giả có mức án cao nhất đến 15 năm tù, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo Điều 156 BLHS năm 2009.
Còn tội Lừa dối khách hàng chỉ có mức án cao nhất là 7 năm tù, số tiền phạt cao nhất cũng chỉ 30 triệu đồng theo Điều 162 BLHS năm 2009. Do đó, nếu cơ quan điều tra khởi tố hành vi này thì sẽ vấp phải luồng quan điểm pháp lý ngược lại.
Thứ hai, định lượng về thiệt hại vật chất, sự việc được phát hiện ở Hà Nội là 60 chiếc khăn lụa đã được đánh tráo nhãn mác, trong đó tiêu thụ chỉ mới 6 chiếc. Như vậy, hành vi gian dối hoàn thành chỉ mới 6 chiếc, số còn lại 54 chiếc khăn lụa chưa gây thiệt hại.
Theo luật sư Phạm Công Út, hiện nay cơ quan có chức năng chưa hề thống kê được định lượng về số hàng hoá đã tráo nhãn mác, đã bán ra bao nhiêu chiếc khăn giả dối ấy, với tổng giá trị thu lợi bất chính là bao nhiêu? Do đó cơ quan điều tra sẽ vấp phải bài toán hóc búa này.
Nhiều người vin vào việc ông chủ Khaisilk thừa nhận việc bán hàng gian dối này đã diễn ra từ mấy chục năm, ắt phải là lớn lắm. Nhưng chứng cứ chứng minh sẽ buộc cơ quan điều tra chứng minh số hàng tơ lụa do Khaisilk nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam từ thời điểm nào, số lượng, giá mua vào, giá bán ra, chứ không chỉ căn cứ vào lời thừa nhận của ông chủ Hoàng Khải.
Liên quan đến vụ việc, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã có báo cáo chính thức về kết quả kiểm tra, kiểm soát mặt hàng lụa tơ tằm tại cửa hàng số 113 Hàng Gai và trên địa bàn TP. Hà Nội, theo Tri thức trực tuyến.
Sau khi kiểm tra tại cửa hàng số 113 của thương hiệu Khaisilk, Quản lý thị trường Hà Nội cho biết đã thống nhất việc chuyển giao vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định. Theo đó, vụ việc có dấu hiệu tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo đúng quy định tại điều 156 Bộ Luật hình sự.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 31/10 đã ký quyết định số 4138/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty TNHH Khải Đức có trụ sở chính tại số 2 Phan Văn Chương, Phường Tân Phú, Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Mã số doanh nghiệp: 0302695848 và các chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định: Các hành vi như làm giả nhãn mác cho các sản phẩm nhập từ nước ngoài, lừa dối và gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh khác nhau đã đủ các yếu tố để cấu thành phạm phạm pháp hình sự.
Về quy mô cũng như các mức độ của hành vi vi phạm này đã vượt quá ngưỡng xử lý vi phạm hành chính, đủ điều kiện để chuyển các cơ quan điều tra về kinh tế để làm rõ. Vì vậy, Bộ Công thương thống nhất chuyển cơ quan điều tra để làm rõ mức độ vi phạm hình sự của hoạt động kinh doanh này.