Vụ BOT Mỹ Lộc Nam Định tăng phí: "Làm ơn đừng tăng nữa, hãy cho chúng tôi con đường sống!"

12-01-2017 07:01:58

Trước thông tin BOT Mỹ Lộc bất ngờ tăng phí gần gấp đôi đối với các phương tiện vận tải qua trạm, nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao vì không biết phải xoay sở ra sao khi Tết Nguyên đán sắp đến gần.

Doanh nghiệp lao đao vì phí BOT

Như thông tin đã đưa, từ 8/1/2017, Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (Nam Định) đã bất ngờ tăng mức thu phí đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng lên mức 35.000đ/lượt, tăng gần gấp đôi so với giá cũ được áp dụng từ ngày 8/6/2016 là 20.000đ/lượt.

Việc BOT Mỹ Lộc tăng phí khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao. Ảnh: Ngọc Ánh

Trước việc BOT Mỹ Lộc đột ngột tăng phí qua trạm đúng vào dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp vận tải đang lao đao vì không biết xử lý như thế nào với quyết định bất ngờ này.

Trao đổi với PV Đời sống Plus, đại diện nhà xe Hồng Hà (tuyến Hà Nội – Thái Bình) cho biết: “Nhà xe chúng tôi chạy loại xe 46 chỗ ngồi, như thời gian trước chỉ phải đóng 50.000đ/lượt, nếu đóng vé tháng chỉ còn có 1,3 triệu/tháng. Tuy nhiên đến ngày 8/1, mức giá này tăng lên 75.000đ/lượt, vé tháng lên đến 2,25 triệu đồng/tháng. Thật tình với mức giá này, chúng tôi không biết phải xoay sở ra sao khi mà Tết Nguyên đán sắp đến”.

Quãng đường từ Hà Nội về Tiền Hải (Thái Bình) dài 120km nhưng có xe phải đóng đến 175.000đ phí. Ảnh: Otofun

Cùng chung ý kiến trên, đại diện nhà xe Tôn Thắng (tuyến Hà Nội – Thái Bình) bức xúc: “Đây là kiểu tận thu, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Mỗi năm, doanh nghiệp đã phải è cổ ra chịu bao nhiêu thứ thuế, giờ cứ thỉnh thoảng lại tăng phí. Mà mỗi lần tăng phí đâu có ít ỏi gì, tăng cả mấy chục phần trăm. Cứ như thế này, tôi dám chắc chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, dân lái xe chúng tôi sẽ tổ chức biểu tình để phản đối”.

Theo lời người này, việc tăng phí qua trạm BOT sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp và của cả người dân có nhu cầu đi lại trên tuyến đường này.

“Người dân họ đi xe chứ có biết gì đến thông tin BOT tăng phí đâu, nên khi thấy nhà xe tăng giá vé họ cũng ý kiến, rồi từ đó lại ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ toàn tuyến. Nói chung việc BOT tăng phí kéo theo rất nhiều hệ lụy”, người này nói tiếp.

Lối thoát nào cho các doanh nghiệp vận tải?

Trước tình trạng nhiều BOT đồng loạt tăng phí trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp vận tải cho biết cách duy nhất để giải quyết tình trạng này là tăng giá vé xe khách để bù đắp lại. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện nhà xe Mạnh Hùng (tuyến Thái Bình – Hà Nội) cho rằng, năm nay là một năm không thể buồn hơn với các doanh nghiệp vận tải “quê lúa”.

“Tuyến đường nhà xe chúng tôi chạy phải qua 4 trạm thu phí (BOT Pháp Vân – Cầu giẽ, BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc và BOT Thanh Nê). Trong năm nay, 2 BOT trong số đó (BOT Mỹ Lộc và BOT Thanh Nê) đã tiến hành tăng phí và đi vào thu phí khiến doanh nghiệp lao đao.

Trước đó, trường hợp BOT Thanh Nê chúng tôi đã tính đến việc trình Bộ GTVT phương án tăng giá vé nhưng lại tạm dừng. Tuy nhiên, giờ BOT Mỹ Lộc lại tăng phí thì chắc chắn sớm hay muộn chúng tôi sẽ phải đề nghị điều chỉnh giá vé tuyến Hà Nội – Thái Bình.

Tuy nhiên việc điều chỉnh giá cũng không hề đơn giản, phải trình phương án lên Bộ Tài chính xem xét, Bộ đồng ý thì mới được phép tăng. Chờ tới lúc đó chắc doanh nghiệp chúng tôi phá sản rồi'', vị này thông tin.

Mức biểu phí đường bộ qua trạm thu phí Mỹ Lộc theo Thông tư 159/TT-BTC của Bộ Tài chính

Trong khi đó, không chỉ chịu tác động bởi việc tăng phí qua trạm BOT như những nhà xe khác, riêng nhà xe Ngân Sơn còn phải chịu ảnh hưởng mạnh vì việc điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình sang bến xe Nước Ngầm trong năm 2017 này.

“Kể từ khi được điều chuyển sang bến xe Nước Ngầm, lượng khách đi giảm sút rõ rệt. Khách đổ dồn về bến Giáp Bát khiến nhà xe luôn trong tình trạng vắng khách. Nhiều chuyến chỉ “lẹt đẹt” có vài người, tiền xăng dầu còn không đủ chứ đừng nói đến việc trả phí. Làm ơn đừng tăng phí nữa, hãy để cho chúng tôi một con đường sống”, đại diện nhà xe Ngân Sơn than thở.

Người này cũng cho biết, trước mắt sẽ tập hợp ý kiến của các nhà xe trình lên bộ GTVT để kiến nghị về việc điều chỉnh mức phí qua các trạm BOT. “Nếu như phương án đó không khả thi, bắt buộc chúng tôi phải tính đến phương án tăng giá vé toàn tuyến để bù đắp”, anh này cho biết.

Trao đổi với PV Đời sống Plus, đại diện công ty Cổ phần Tasco (nhà đầu tư dự án BOT Mỹ Lộc) cho hay, mức phí mới được thực hiện theo đúng lộ trình của Thông tư số 33/2016/TT-BTC, được áp dụng kể từ ngày 1/1/2017 trở đi.

“Trước đó, theo lộ trình chúng tôi đã tăng phí từ ngày 1/1/2016 nhưng sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị trạm Mỹ Lộc lùi thời gian áp dụng mức phí mới đến 1/6/2016. Đến ngày 1/6/2016, Tasco đã tăng phí nhưng sau đó lại nhanh chóng quay về mức phí cũ để chấp hành Nghị quyết số 35 của Chính phủ với các mức giá thu phí từ 20.000 – 160.000 đồng như trước thời điểm 1/6/2016 thay vì mức từ 30.000 – 160.000 đồng theo Thông tư”.

Ngọc Ánh
Theo Đời sống Plus //