Vì sao quét nhiệt kế hồng ngoại vẫn bỏ sót người nhiễm virus corona?
Khi nhiều quốc gia đang cùng nhau ngăn chặn virus corona chủng mới (COVID-19) lây lan trên toàn cầu, những người du hành trên khắp thế giới đang trải qua các bài kiểm tra nhiệt độ "không đáng tin cậy".
Kiểm tra thân nhiệt được xem là một trong những biện pháp ngăn dịch Corona lây lan
Tờ SCMP sáng 16/2 đưa tin, virus corona chủng mới được phát hiện tại thành phố Vũ Hán hồi cuối tháng 12/2019, đã khiến hơn 69.000 người bị lây nhiễm, hơn 1.600 trường hợp tử vong, hầu hết ở Trung Quốc.
Các sân bay, thành phố và cửa hàng ở Trung Quốc đều đã thực hiện đo nhiệt độ để xác định các ca nghi nhiễm, nhằm ngăn virus lây lan. Để làm được điều đó, chính phủ các nước và nhiều doanh nghiệp dựa vào súng nhiệt kế hồng ngoại - thiết bị sử dụng cảm biến hồng ngoại để đo nhiệt độ cơ thể một người mà không cần chạm vào da.
Tuy nhiên, tiến sĩ James Lawler, chuyên gia y tế tại Trung tâm An ninh Y tế, thuộc Đại học Nebraska (Mỹ), lại cho rằng: "Súng nhiệt kế hồng ngoại không cho kết quả chính xác. Vì vậy, nó không đáng tin cậy. Thậm chí, một số chỉ để trưng bày".
Điều này có nghĩa rằng nhiều trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới có thể không bị phát hiện thông qua súng nhiệt kế hồng ngoại.
Để tránh khả năng này, Mỹ đã thực hiện việc cách ly bắt buộc trong 2 tuần với bất cứ ai đã ở vùng dịch Hồ Bắc, Trung Quốc 14 ngày trước.
Tại sao súng nhiệt kế hồng ngoại vẫn bỏ sót người nhiễm virus Corona?
Hầu hết người dùng súng nhiệt kế hồng ngoại để chúng quá xa hoặc quá gần với người được đo. Việc này dẫn tới kết quả hoặc là quá nóng hoặc quá lạnh, tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia.
Nhiệt kế hồng ngoại nếu để sai khoảng cách sẽ cho kết quả không chính xác
Tiến sĩ Lawler cho biết chính ông từng là "nạn nhân" của súng nhiệt kế hồng ngoại. Trong chuyến đi tới vùng Tây Phi vào thời điểm đại dịch Ebola hoành hành (2014-2016), kết quả đo từ súng nhiệt kế cho thấy Lawler sắp chết vì hạ thân nhiệt nhưng thực tế không phải như vậy.
"Nhiệt độ của tôi khi đó thường ở mức 35 độ C hoặc thấp hơn", Lawler chia sẻ.
Theo Grainger, công ty trong ngành cung ứng công nghiệp Mỹ, khoảng cách chuẩn xác khi sử dụng súng nhiệt kế cầm tay phụ thuộc vào kích thước của người được đo.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường như đường sá bụi bặm hoặc nhiệt độ trong ô tô (người được đo ngồi trong xe) cũng ảnh hưởng đến kết quả đo.
Nhiệt độ trong xe cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả đo thân nhiệt
Ngay cả khi chuẩn xác, nhiệt kế đo hồng ngoại cũng vẫn có thể bỏ sót các ca nhiễm virus Corona. Các nghiên cứu cho thấy một số người nhiễm bệnh không biểu hiện triệu chứng trong 14 ngày. Một số nghiên cứu sơ bộ còn cho thấy thời kỳ ủ bệnh có thể lên tới 24 ngày. Dù vậy, người bệnh lây nhiễm sang người khác khi không biểu hiện triệu chứng vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học.
Nhiệt độ cơ thể một số bệnh nhân bị sốt vẫn có thể trở về mức bình thường khi họ sử dụng thuốc hạ sốt. Việc đo nhiệt độ khi đó gần như không còn tác dụng.
Ngược lại, một người có nhiệt độ cao chưa chắc chắn họ mang virus gây bệnh.
"Họ có thể vừa tập thể dục hay dùng một loại thuốc nào đó. Một người trễ chuyến bay đang cố gắng tới điểm làm thủ tục, anh ta có thể đã phải chạy một quãng dài và thân nhiệt tăng lên là điều hiển nhiên", tờ New York Times dẫn lời Jim Seffrin, chuyên gia thiết bị hồng ngoại tại Viện hồng ngoại New Jersey (Mỹ), chia sẻ.
Kiểm tra thân nhiệt giúp phát hiện phần lớn những ca nhiễm virus Corona
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận một số người nhiễm virus Corona vẫn vượt qua việc kiểm tra thân nhiệt nhưng cho rằng hoạt động này giúp "hạn chế nguy cơ lây lan nhiều nhất có thể". Theo WHO, hầu hết trường hợp mắc bệnh di chuyển bên ngoài Trung Quốc đều được phát hiện thông qua kiểm tra thân nhiệt khi nhập cảnh.