Vì sao không nên tự ý tiêm vắc xin ngừa lao phòng Covid-19?

22-04-2020 16:55:26

WHO không khuyến cáo sử dụng vắc-xin BCG cho phòng nhiễm virus SARS-COV2, virus gây dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu.


Các bác sĩ khuyến cáo không nên dùng vắc xin ngừa lao phòng Covid-19. Ảnh các bệnh nhân ra viện chiều 22/4. Nguồn Vnexpress

Sau thông tin về việc Bệnh viện Phổi T.Ư chủ trì phối hợp với một số đơn vị khác sẽ tiến hành thử nghiệm tiêm vắc-xin BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch để phục vụ đề tài nghiên cứu, nhiều người dân quan tâm đến việc liệu tiêm vắc-xin này có thể phòng chống được COVID-19 hay không.

Về vấn đề này, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, vắc-xin phòng lao (BCG) được sử dụng trong Chương trình từ hơn 30 năm nay và là một trong những vắc-xin cơ bản dành cho trẻ nhỏ, được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh, theo báo Tiền phong. 

 Vắc-xin BCG có hiệu quả phòng các thể lao màng phổi và lao màng não. Nó có hiệu quả phòng mắc lao phổi, nhưng hiệu quả yếu hơn ở trẻ em trong độ tuổi đi học và ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ bị phơi nhiễm với vi khuẩn lao thì vắc xin không có hiệu quả.

Hiện nay một số thông tin đề cập đến hiệu quả của vắc-xin BCG đối với một số nhiễm trùng. Để tránh các thông tin gây hiểu nhầm, ngày 12/4 Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra thông báo chính thức về việc chưa có các bằng chứng chính xác về việc vắc-xin phòng lao có thể giúp phòng bệnh COVID-19. 

WHO không khuyến cáo sử dụng vắc-xin BCG cho phòng nhiễm SARS-COV2. WHO yêu cầu các nước có bệnh lao lưu hành phổ biến cần tiếp tục triển khai vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao, trẻ sơ sinh thường xuyên có nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn này từ môi trường xung quanh. Vắc-xin BCG không có hiệu quả nếu trẻ đã bị phơi nhiễm với vi khuẩn lao. Vì vậy để phòng bệnh hiệu quả cho con, các chuyên gia y tế khuyên các gia đình cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Vắc-xin dạng đông khô, đóng gói 10 liều/lọ, đi kèm lọ dung môi để pha hồi chỉnh khi dùng. Trong 5 năm gần đây vắc-xin này cũng đã được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ cho người lớn với liều 0,1 ml (cùng thể tích nhưng hàm lượng BCG gấp đôi liều tiêm cho trẻ em dưới 1 tuổi) để đáp ứng yêu cầu tiêm vắc-xin BCG cho học sinh, sinh viên, người lớn khi đi học tập, lao động ở các quốc gia yêu cầu tiêm vắc xin BCG trước khi nhập cảnh.

Tại Việt Nam, chỉ khuyến cáo sử dụng vắc-xin BCG cho người lớn làm các nghề có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi khuẩn lao.

GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư khuyến cáo không tiêm vắc-xin BCG cho người lớn nếu không có chỉ định của bác sĩ. Theo PGS Nguyễn Viết Nhung: “Dù Việt Nam có triển khai nghiên cứu, thì người dân cũng tuyệt đối không tiêm vắc-xin BCG cho người lớn. Bởi gần đây đã có một thanh niên ở Nhật Bản gặp biến chứng sau tiêm vắc-xin BCG để phòng COVID-19”.

Theo cập nhật mới nhất của Vnexpress vào chiều 22/4, sáu người tại Hà Nội, một người ở Tây Ninh xuất viện chiều nay, đưa số người khỏi bệnh trên cả nước lên 223, số bệnh nhân còn 45.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, cho biết các bệnh nhân ít nhất hai lần âm tính với nCoV, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Họ sẽ tiếp tục cách ly và theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày.     

Các bệnh nhân ra viện gồm 184, 215, 216, 227, 246, 266.  "Bệnh nhân 266" chăm mẹ ốm tại khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện Bạch Mai trong ba ngày kể từ 8/3. Chị không có biểu hiện triệu chứng gì, tuy nhiên khi lấy mẫu sàng lọc thì phát hiện dương tính nCoV.     

Bệnh nhân 184 và 215, là nhân viên Công ty Trường Sinh, làm trong căng tin và thường đi đến các khoa, phòng, bệnh viện Bạch Mai.   

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn khoảng 40 bệnh nhân đang điều trị. Cũng hôm nay, bệnh nhân 6 tuổi được xuất viện tại Tây Ninh sau hai tuần điều trị. 

Em bé này từ Campuchia về nước cùng gia đình qua cửa khẩu Mộc Bài. Mẹ và bà đi cùng bé, không nhiễm nCoV, tuy nhiên hai người thân khác ở nước bạn đã nhiễm.  

Bác sĩ Liêu Chí Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, đánh giá ca bệnh tiến triển tốt sau vài ngày điều trị theo phác đồ. Do bé còn nhỏ nên ngoài nhân viên y tế, việc chăm sóc còn có mẹ. Để tránh lây nhiễm, hai mẹ con được sử dụng khẩu trang và đồ bảo hộ nghiêm ngặt, giữ khoảng cách.

"Mỗi khi có việc cần thiết mẹ bé mới tiếp xúc với con", bác sĩ Hùng nói và cho biết hiện mẹ và bà bé có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV sau 14 ngày. Trước đó Tây Ninh điều trị khỏi hai bệnh nhân cũng nhập cảnh từ Campuchia, gồm một nam 30 tuổi và một nữ 23 tuổi.   

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //