Vào rừng 'hứng sóng' học online: Những hình ảnh ai thấy cũng ngậm ngùi, chết lặng

24-09-2021 06:45:13

Chiếc lán tạm bợ, một phiến đá cao giữa xung quanh đồi núi, hay chỉ mấy que củi chụm lại làm nơi đặt điện thoại ở góc rừng... chính là lớp học trực tuyến của trò vùng biên giới.


Lán tạm học trực tuyến được dựng trên đỉnh núi của học trò huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An

Trong số các huyện miền núi, Quế Phong là địa phương duy nhất của Nghệ An hiện chưa cho học sinh trở lại trường. Việc dạy học đang triển khai theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, với đặc thù huyện miền núi, biên giới, việc học trực tuyến nơi rẻo cao này trở nên muôn vàn khó khăn.


Chỗ ngồi học trực tuyến của Xồng Bá Lỳ (lớp 12A7 Trường TPHT Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) là tấm ván được kê trên 2 gốc cây trong rừng.

Xồng Bá Mùa - nhà ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ nhập học muộn nhất trong hơn 600 bạn lớp 10 của Trường THPT Quế Phong năm học 2021-2022. Khi ấy, trường đã chốt danh sách học sinh đã được 1 tháng và dạy học trực tuyến 1 tuần lễ.

Nhà ở vùng sâu, biệt lập, không có sóng điện thoại, khi anh trai của Mùa ra được trung tâm xã kết nối với cô giáo chủ nhiệm, thì trường đã chốt danh sách học sinh khóa mới được 1 tháng. Cả trường cũng đã dạy học trực tuyến 1 tuần lễ.


Xồng Bá Mùa nhập học muộn quá quy định, khi được nhà trường đồng ý, cậu học trò người Mông đã đi bộ hàng tiếng để đến nơi có sóng học trực tuyến.

Lúc này, cô Nguyễn Thị Xoan – GV chủ nhiệm lớp 10A10 đã trực tiếp xin ý kiến của Ban giám hiệu nhà trường về trường hợp hy hữu của Mùa. Trước nguyện vọng của cậu học trò người Mông, và linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh, khoảng cách địa lý xa xôi, nhà trường đã đồng ý cho Mùa nhập học. Với sự có mặt của Xồng Bá Mùa, lớp 10A0 đã đủ sĩ số với 49 bạn.

Cả nhà nhường chiếc điện thoại duy nhất cho Mùa học trực tuyến, và dựng một cái lán tạm cách khoảng 1 tiếng đi bộ để em hứng sóng. Cũng do sóng chập chờn, bài học thỉnh thoảng bị ngắt quãng, cô Xoan đã giao cho 1 bạn trong lớp ghi chép bài đầy đủ gửi vào nhóm cho Mùa và những bạn ở bản vùng sâu.


Hình ảnh học trực tuyến của Vừ Y Hoa khiến thầy cô Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) lặng người. Dù thiếu thốn, vất vả, Hoa chưa hề bỏ buổi học nào.

Cùng ở Tri Lễ, nhưng mỗi bản ở đây cách nhau và cách trung tâm xã cả nửa ngày đi bộ. Vừ Y Hoa là học sinh duy nhất của bản Huồi Xái (Tri Lễ) nhập học vào lớp 10 Trường THPT Quế Phong. Khi thầy cô nhận được hình ảnh về chỗ học trực tuyến của cô học trò người Mông, ai nấy đều lặng người.

Đó là nơi góc rừng, cách nhà 1 tiếng đi bộ, Hoa chụm mấy cành củi lại làm nơi đặt điện thoại, rồi ngồi bệt dưới nền đất học trực tuyến. Cạnh bên dựng chiếc ô nhỏ, để che chắn phòng khi trời mưa.

Dù sóng chập chờn, lúc vào được, khi bị “out” ra, Hoa vẫn không bỏ buổi học trực tuyến nào. Mong mỏi của Hoa là dịch bệnh được kiểm soát, để em có thể được tới trường bình thường, gặp gỡ thầy cô, bạn bè trực tiếp.


Một phiến đá trên núi cao trở thành nơi ngồi "hứng sóng" học trực tuyến lý tưởng của học trò vùng rẻo cao biên giới Nghệ An.

Ngoài xã biên giới Tri Lễ khó khăn nhất, nhiều học sinh ở các bản vùng sâu của Quế Phong như: Nậm Nhoóng, Nậm Giải, Quang Phong,Tiền Phong, Cắm Muộn, Thông Thụ, Đồng Văn... cũng rất vất vả để đón sóng học trực tuyến.

Cô Từ Thị Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong cho hay, sang tuần thứ 3 học trực tuyến, tỷ lệ học sinh tham gia các tiết học đạt trên 98%, nhưng chất lượng mỗi buổi không ổn định. Lý do chủ yếu do sóng và thiết bị của học sinh còn hạn chế.


Sự nỗ lực vượt khó khăn, trở ngại của học trò vùng sâu, biệt lập, trở thành dộng lực cho bạn bè và thầy cô khi dạy học trong điều kiện không thuận lợi.

Để khắc phục, nhà trường đã kết hợp dạy học trực tuyến và giao bài qua gmail, giao bài tập về bản. Nội dung các buổi học chỉ dạy kiến thức cơ bản, cốt lỗi. Các kiến thức vận dụng, mở rộng nhà trường sẽ bổ sung cho học sinh khi dạy học trực tiếp.

Kế hoạch dạy học trực tiếp cũng sẽ được thực hiện thận trọng, khi Quế Phong chuyển sang trạng thái bình thường. “Trường chúng tôi có gần 1.800 học sinh nhưng có khoảng 1.200 học sinh ở xa và đang phải ở trọ xung quanh trường trong điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Nếu xuống học tập trung, việc phòng chống dịch không đảm bảo gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Chỉ khi đảm bảo an toàn, thì chúng tôi mới cho tập trung học sinh trở lại”, cô Từ Thị Vân cho biết.


Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) huy động các nguồn tài trợ để mua điện thoại, sim 4G. Giáo viên nhà trường sau đó đã đến nhà tặng học sinh khó khăn học trực tuyến.

Vì vậy, dù rất vất vả cho cả giáo viên lẫn học sinh, thì phương án dạy học trực tuyến vẫn phải duy trì trong thời gian tới. Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong, điều đáng mừng là có những HS ở vùng xa xôi, sóng điện thoại chập chờn, phải vào rừng sâu “hứng sóng”, nhưng các em vẫn nỗ lực, cố gắng. Tinh thần học tập đó là động lực cho các bạn khác và cho cả thầy cô khắc phục khó khăn thực hiện chương trình năm học đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 69.727 học sinh các cấp đang thiếu phương tiện, thiết bị (hơn 42.000 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn) và có  23.919 (tỷ lệ 3,77%) học sinh có nơi ở không kết nối được Internet. Thời điểm này, nhiều địa phương tổ chức trở lại bình thường. Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn duy trì kết hợp dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp và sẵn sàng chuyển đổi nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.

 

Hồ Lài
Theo Giáo dục & Thời đại //