Uống nhầm dầu hỏa, bé 16 tháng tuổi nhập viện khẩn cấp
Qua kiểm tra thấy dầu hỏa đựng trong chai nước giải khát đã qua sử dụng bị đổ ra bên cạnh nên xác định trẻ uống nhầm. Ngay sau đó, gia đình đã lập tức đưa con vào viện.
Bệnh nhi nhập viện cấp cứu do uống nhầm dầu hỏa. Ảnh: VTV News
Mới đây, theo nguồn tin trên VTV News, khoa Hồi Sức Cấp Cứu - Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc do uống nhầm dầu hỏa để trong chai nước giải khát.
Cụ thể, bệnh nhi 16 tháng tuổi, trú tại Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Bệnh nhi được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng ho sặc sụa, tím tái. Người nhà bệnh nhi cho biết, Qua kiểm tra thấy dầu hỏa đựng trong chai nước giải khát đã qua sử dụng bị đổ ra bên cạnh nên xác định trẻ uống nhầm. Ngay sau đó, gia đình đã lập tức đưa con vào viện.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi do ngộ độc dầu hỏa. Ngay sau đó, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu kịp thời cho bệnh nhi. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và đang được theo dõi thêm.
Bác sĩ Lê Văn Hoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu cho biết, Tính từ đầu năm 2020 tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 11 ca ngộ độc dầu hỏa và các dẫn chất như xăng, dầu không khói...
Việc uống nhầm phải dầu hỏa và các dẫn chất là một cấp cứu thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện của trẻ sau khi uống là ho sặc sụa, tím tái, hơi thở nồng nặc mùi dầu hỏa, nặng hơn có thể dẫn đến suy hô hấp nguy hiểm tính mạng.
Khi con trẻ uống phải dầu hỏa, cha mẹ không nên gây nôn bởi vì dầu vốn là chất bay hơi, khi được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi dầu hỏa có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp, dễ gây viêm phổi. Cách xử trí ban đầu là cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Sau khi sơ cứu, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục được cấp cứu, giải độc và theo dõi an toàn.
Qua đó, BS Hoàn khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc dầu hỏa và các hóa chất sử dụng trong gia đình, cha mẹ và người lớn cần lưu ý: không nên để hóa chất trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại; không đựng dầu hỏa và các hóa chất khác vào vỏ chai lọ vốn đựng nước uống, không nên để trẻ chơi một mình, cần có người lớn hướng dẫn và theo dõi trong quá trình vui chơi, bản thân người lớn cần tìm hiểu về các biện pháp phòng tránh và sơ cứu khi xảy ra tình huống ngộ độc hóa chất.