Từ vụ cháu bé 4 ngày tuổi được thay máu để chữa vàng da, bố mẹ cần nhớ ngay những việc này để cứu con

28-05-2020 18:12:24

Theo các bác sĩ, vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến. Đối với hầu hết trẻ sơ sinh thì vàng da là 1 hiện tượng sinh lý tuy nhiên với vàng da bệnh lý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng hết sức nặng nề.

Thay máu toàn phần cứu cháu bé 4 ngày tuổi

Mới đây, Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã thực hiện thành công kỹ thuật thay máu toàn phần điều trị vàng da nhân não cho trẻ sơ sinh. Bệnh nhi là cháu Tống Duy Khánh (trú tại xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) được thay máu để điều trị vàng da bệnh lý ở mức độ nặng khi tròn 04 ngày tuổi.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng li bì, có cơn ngừng thở, bỏ bú, vàng da đậm toàn thân và vàng mắt. Các bác sỹ Khoa Sơ sinh tiến hành xét nghiệm cho bé thì thấy chỉ số Bilirubin (chỉ số có ý nghĩa lớn trong chẩn đoán bệnh lý liên quan đến máu, cơ quan tạo máu, gan mật, bệnh nhiễm trùng, siêu vi…) ở mức rất cao, cụ thể Bilirubin toàn phần là 564 μmol/L (bình thường trẻ sơ sinh ở mức < 171 μmol/L) và Bilirubin trực triếp là 46.3 μmol/L (bình thường ở mức 0 – 7 μmol/L).

Với mức Bilirubin trong máu tăng cao gấp mấy lần giới hạn bình thường như vậy, gan không đào thải kịp có nguy cơ thấm vào não gây nhiễm độc thần kinh, các bác sỹ Khoa Sơ sinh hội chẩn và quyết định tiến hành thay máu toàn phần cấp cứu cho cháu Khánh kết hợp chiếu đèn điều trị vàng da tích cực để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm xảy ra ở trẻ. Một loạt các kỹ thuật được đội ngũ y bác sỹ triển khai đồng bộ như: Đặt catheter tĩnh mạch rốn, catheter động mạch rốn, cho trẻ thở oxy mask và nuôi dưỡng hoàn toàn theo đường tĩnh mạch trong suốt quá trình thay máu.

Thời gian thay máu liên tục kéo dài 04 giờ với lượng hồng cầu 240 ml và huyết tương 240 ml. Sau thay máu bệnh nhi Duy Khánh được xét nghiệm lại, kết quả chỉ số Bilirubin toàn phần lúc này đã giảm xuống còn 267 μmol/L, các bác sỹ tiếp tục chiếu đèn điều trị vàng da tích cực, kết hợp nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và cho ăn qua ống sonde dạ dày.

Sau 02 ngày thay máu cháu Khánh tự thở được, da vàng nhẹ và chuyển sang ăn sữa hoàn toàn qua sonde dạ dày với lượng sữa tăng dần từng chút một, trẻ hấp thu sữa tốt. Sau 03 ngày thay máu đánh giá trên lâm sàng da trẻ hồng hào, nhịp tim, nhịp phổi ổn định và 02 ngày sau cháu Khánh được chuyển sang Phòng ghép Mẹ và Bé để mẹ bé tự tay chăm sóc cháu cho tới khi xuất viện.


Bệnh nhi được thay máu kết hợp chiếu đèn điều trị vàng da.

Theo Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Lệ – Trưởng Khoa Sơ Sinh – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến. Đối với hầu hết trẻ sơ sinh thì vàng da là 1 hiện tượng sinh lý, xuất hiện 24h sau sinh và thường tự hết sau 01 tuần (đối với trẻ đủ tháng) hoặc xấp xỉ 02 tuần đối với trẻ sinh non (< 36 tuần tuổi).

Tuy nhiên nếu trẻ sơ sinh có các biểu hiện bất thường như: Vàng da đậm xuất hiện sớm; Không hết vàng da sau 01 tuần với trẻ đủ tháng và 02 tuần đối với trẻ non tháng; Mức độ vàng toàn thân và cả mắt; Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, li bì, khóc nhiều…; Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng cao hơn bình thường thì đó là biểu hiện của vàng da bệnh lý và cần sớm đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để điều trị kịp thời bằng các phương pháp như chiếu đèn (với tình trạng nhẹ) và thay máu (vàng da bệnh lý thể nặng).

Được biết Bệnh nhi Tống Duy Khánh là trường hợp thứ 02 đội ngũ y bác sỹ BV Sản Nhi Bắc Giang cứu chữa thành công. Trường hợp đầu tiên bệnh nhi bị vàng da bệnh lý nhập viện khi được 09 ngày tuổi với những biểu hiện nghiêm trọng hơn bởi đã có cơn tăng trương lực cơ, xoắn vặn người, có dấu hiệu tổn thương não. Xét nghiệm chỉ số Bilirubin trong máu cũng tăng rất cao ở mức 580 μmol/L (cao gấp 03 lần bình thường), trẻ được chỉ định thay máu toàn phần và chỉ sau 05 ngày được thay máu toàn phần thì da toàn thân hồng hào trở lại, chức năng hô hấp, tuần hoàn ổn định và trẻ được xuất viện về với gia đình khi tròn 14 ngày tuổi.

Trước đây tại Khoa Sơ sinh chỉ tiếp nhận điều trị những trường hợp vàng da bệnh lý thể nhẹ bằng phương pháp chiếu đèn, còn với những trường hợp vàng da bệnh lý ở mức độ nặng có dấu hiệu tổn thương não như thế này thì thường phải chuyển tuyến ra ngoài Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị bởi nếu chậm trễ thì trẻ không chỉ bị nhiễm độc thần kinh, co giật, hôn mê, để lại di chứng về thần kinh như bại não mà thậm chí nguy cơ tử vong ở trẻ cũng rất cao.

Hiện tại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đang áp dụng 02 phương pháp để điều trị vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh là chiếu đèn điều trị vàng da và thay máu. Với những trường hợp bị vàng da thể nhẹ thì phương pháp chiếu đèn thực sự an toàn và hiệu quả, bằng cách sử dụng năng lượng ánh sáng xuyên qua da giúp chuyển hóa Bilirubin tự do trong máu thành chất khác không độc, đào thải ra ngoài khi trẻ đại, tiểu tiện. Với những trường hợp trẻ bị vàng da ở thể nặng có dấu hiệu tổn thương não (vàng da nhân não), nồng độ Bilirubin trong máu quá cao không thể giảm dù đã sử dụng phương pháp chiếu đèn tích cực thì trẻ sẽ được thay máu để điều trị vàng da bệnh lý”.

Đừng chủ quan với vàng da ở trẻ sơ sinh

Theo các bác sĩ, có một số nguyên nhân gây vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh có thể kể tới như: Nhiễm trùng huyết; Bất đồng nhóm máu mẹ con (Rh hay nhóm máu A,B,O); Thiếu men G6PD; Suy giáp bẩm sinh; Một số bệnh lý di truyền (Hội chứng Gilbert; Hội chứng Crigler Najjar; Các khuyết tật của màng tế bào hồng cầu bẩm sinh: bệnh hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa di truyền Galactosemia); Các bệnh lý gan/mật bẩm sinh (thiểu sản đường mật, bất thường cấu trúc đường mật, tắc đường mật trong/ngoài gan…).

Hai trường hợp vàng da bệnh lý được điều trị thay máu toàn phần tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang nguyên nhân gây vàng da được xác định là do thiếu men G6PD. Men G6PD là một chất xúc tác quan trọng cho các phản ứng chuyển hóa trong tế bào và đặc biệt quan trọng đối với hồng cầu.

Khi trẻ sơ sinh thiếu men G6PD ở mức độ nặng hoặc tiếp xúc với các loại thuốc, thực phẩm tiết qua sữa mẹ có tính oxy hóa cao, tế bào hồng cầu bị vỡ dẫn đến hiện tượng thiếu máu tán huyết; đồng thời khi vỡ ra, hồng cầu sẽ phóng thích vào trong máu chất Bilirubin tự do với nồng độ cao khiến trẻ bị vàng da, vàng mắt và suy thận. Nếu tình trạng vàng da hoặc thiếu máu do tán huyết kéo dài mà không sớm được điều trị sẽ để lại những di chứng về thần kinh như suy giảm trí tuệ, bại não hoặc chậm phát triển về thể chất (vàng da nhân não).


Bệnh nhi được bác sĩ kiểm tra sức khỏe trước khi xuất viện.

Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh thiếu men G6PD vì vậy ngay sau sinh trẻ nên sớm được thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu gót chân để phát hiện các bệnh di truyền bẩm sinh. Trường hợp xét nghiệm xác định trẻ bị thiếu men G6PD thì các bậc phụ huynh cần lưu ý: Không sử dụng các loại dược phẩm, thức ăn hoặc những chất có thể gây tán huyết; Khi đưa trẻ tới Bệnh viện khám cần thông báo với nhân viên y tế về tình trạng thiếu men G6PD của trẻ; Không sử dụng long não, băng phiến cho vào tủ quần áo, chăn màn, giường gối của trẻ (vì băng phiến có chứa naphthalene là một chất oxy hóa); Thận trọng với một số loại thuốc nam, thuốc đông y vì có thể chứa chất oxy hóa; Tránh ăn đậu tằm và các chế phẩm từ loại đậu này; Người mẹ cho con bú không được sử dụng những thức ăn hoặc dược phẩm phải kiêng ở người bị thiếu men G6PD vì những chất này có thể đi vào cơ thể trẻ qua sữa mẹ; Khi cho trẻ dùng thuốc cần tuân theo đúng chỉ định của bác sỹ, tránh sử dụng một số loại thuốc được khuyến cáo như: thuốc giảm đau, hạ sốt có chứa aspirin hoặc phenacetin; dùng kháng sinh thuộc nhóm sulfonamide và sullfone; các thuốc kháng sốt rét như quinine, chloroquine, primaquine; sử dụng vitamin K, xanh methylen để điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu, …

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh đặc biệt nguy hiểm, diễn biến nhanh. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: Bilirubin não cấp tính (Ngủ li bì, khóc thét, bỏ bú, sốt cao, xoắn vặn, co giật); Vàng da nhân não (Bilirubin tự do trong máu quá cao khiến gan không đào thải kịp, có nguy cơ thấm vào não gây nhiễm độc thần kinh và để lại những di chứng nặng nề như bại não hoặc chậm phát triển trí tuệ).

Tuy nguy hiểm nhưng theo các bác sĩ, việc theo dõi và phát hiện các dấu hiệu vàng da bệnh lý lại không quá khó. Các bậc phụ huynh nên tập trung theo dõi trẻ trong vòng 07 ngày đầu sau sinh, đặc biệt với các trẻ sinh non thiếu tháng. Nên nhìn bé dưới ánh sáng tự nhiên (Không nên cho trẻ nằm phòng tối hoặc quan sát trẻ dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường vì sẽ không xác định được rõ trẻ có bị vàng da hay không).

Khi phát hiện trẻ sơ sinh có dấu hiệu vàng da kéo dài hoặc cơ thể trẻ bị vàng da bất thường, vàng đến cổ tay, cổ chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân có thể kèm theo các dấu hiệu bú kém, bỏ bú, co giật … thì nên sớm đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân gây vàng da và có biện pháp điều trị y khoa càng sớm càng tốt để phòng ngừa nguy cơ tổn thương não hoặc các di chứng về thần kinh.

Đặc biệt không nên dùng những cách chữa mẹo, chữa dân gian thiếu cơ sở để điều trị vàng da cho trẻ vì không những không khỏi bệnh mà còn có thể gây cản trở tới quá trình trị liệu về sau.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //