Từ vụ bé gái 5 tuổi bị hiếp dâm, sát hại: Chuyên gia hướng dẫn kỹ năng bảo vệ trẻ
Trước tình trạng hiếp dâm, xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, chuyên gia khuyên bố mẹ nên trang bị cho con mình những kỹ năng cơ bản để tránh bị xâm hại.
Cơ quan tố tụng đưa bị can Dũng (ảnh nhỏ) đến hiện trường thực nghiệm điều tra. Ảnh: K.Ly
Liên quan đến vụ việc bé gái 5 tuổi bị hiếp dâm, sát hại tại bãi đất trống ở phường Long Tân (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vào đêm 17/4, cơ quan điều tra đã bắt giữ bị can Phạm Văn Dũng (46 tuổi). Điều đáng nói bị can ở sát nhà và rất thân thiết với gia đình nạn nhân.
Từ vụ việc trên, ông Đặng Hoa Nam, Cục Trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, có nhiều trẻ bị xâm hại và để lại hậu quả nặng nề, thậm chí bị sát hại. Điểm chung ở những vụ án xâm hại trẻ em là đối tượng xâm hại thường quen biết với gia đình nạn nhân, thậm chí là bạn thân với cha mẹ nạn nhân, đã lợi dụng sự non nớt, ngây thơ của trẻ con, sự chủ quan của người lớn để làm điều xằng bậy.
Theo ông Nam, việc xây dựng những kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ em phải làm ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên dồn hết trách nhiệm bảo vệ trẻ cho một đứa trẻ. Hàng rào bảo vệ trẻ tốt nhất chính là cha mẹ và gia đình, sau đó mới đến người thân, cộng đồng, chính quyền.
Ông Nam đưa ra một số kỹ năng cơ bản mà bố mẹ nên dạy trẻ từ nhỏ để giúp trẻ tránh bị hiếp dâm, xâm hại.
Quy tắc bàn tay giao tiếp
Cha mẹ cần dạy bé biết quy tắc bàn tay giao tiếp (mỗi ngón tay là 1 quy tắc). Ôm hôn (ngón cái), chỉ dùng với những người thân ruột thịt trong nhà như: anh chị em ruột, bố mẹ, ông bà. Khoác tay, nắm tay với họ hàng, thầy cô, bạn bè (ngón trỏ). Bắt tay khi gặp người quen biết (ngón giữa). Vẫy tay nếu gặp người lạ (ngón áp út). Xua tay (ngón út) để phòng tránh xâm hại trẻ em.
Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm
Cha mẹ cần dạy cho bé nhận biết rằng, các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé và dạy cho bé biết cách bảo vệ cơ thể trước sự động chạm của người khác nếu bé không thích.
Không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm
Cha mẹ nên dạy cho bé cách bảo vệ cơ thể, không cho bất kỳ ai chạm vào vùng nhạy cảm hay có những hành động ôm ấp, vuốt ve nếu bé không thích. Hãy dạy cho bé cách từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể khiến bé thấy khó chịu.
Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác
Cha mẹ cũng cần dạy bé không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới. Đặc biệt không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng, dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu.
Còn ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cũng chỉ ra những kỹ năng cơ bản để giúp trẻ phòng, tránh bị xâm hại gồm:
1. Dạy trẻ không tiết lộ tên của mình
Cha mẹ dạy bé đừng bao giờ tiết lộ tên cho người lạ và cha mẹ không nên viết tên bé lên đồ dùng cá nhân như ba lô hay hộp cơm. Việc này sẽ khiến cho người lạ dễ dàng tiếp cận được thông tin cá nhân của bé. Thay vào đó, bạn có thể viết số điện thoại, họ tên của bố mẹ.
2. Chạy khỏi các xe đang đến gần theo hướng ngược lại
Trong trường hợp nếu một chiếc xe tiến lại gần mà người trong xe đang cố gắng thu hút sự chú ý của bé, cha mẹ hãy dạy bé cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác. Cha mẹ, thầy cô giáo cần phải tập, đưa ra các tình huống để rèn thói quen cho bé, tránh bé hay quên.
3. Đặt mật khẩu gia đình
Cha mẹ hãy dạy bé rằng nếu có ai đó đến nói với con: “Cô sẽ đưa cháu đến gặp bố mẹ” thì điều đầu tiên bé phải làm là hỏi lại: “Bố mẹ cháu tên gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?”, mật khẩu không ai có thể nghĩ đến. Ngoài ra, bố mẹ nên dạy cho bé phải gọi điện cho bố mẹ, nghe bố mẹ nói mới được tin.
4. Cài đặt ứng dụng theo dõi bé
Nhờ chức năng định vị GPS, các ứng dụng này sẽ giúp bạn giám sát vị trí chính xác của bé và lượng pin điện thoại mà bé còn.
5. Đeo đồng hồ có nút khẩn cấp
Trang bị cho bé các thiết bị có nút khẩn cấp dưới dạng đồng hồ, dây chìa khóa, vòng tay… để cha mẹ có thể theo dõi vị trí của bé. Khi bé bấm nút, bạn hoặc cảnh sát sẽ nhận được tín hiệu.
6. La lớn khi bị người lạ nắm tay
Khi bị người lạ nắm tay, cha mẹ nên dạy bé hãy la lên thật to để thu hút sự chú ý của những người xung quanh, không được nghe ai nói. Ngoài ra, bé cũng nên kêu lên: “Cháu không quen biết ông ấy/bà ấy, ông/bà bỏ cháu ra, anh/chị bỏ em ra, em không quen.
7. Tránh xa người lạ
Cha mẹ nên dạy bé rằng, bé tuyệt đối tránh xa người lạ mặt, giữ khoảng cách để phòng vệ, không bắt chuyện hay làm quen, thân mật với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Cha mẹ nên cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.
8. Tránh đi thang máy với người lạ
Cha mẹ hãy dạy bé chờ thang máy nên quan sát mọi người xung quanh. Nếu có người lạ bước vào thang chung với bé, hãy dạy bé tìm cách kiếm cớ để không phải đi chung thang máy với người này, hãy chờ người quen hoặc bố/mẹ đến.
9. Không cho người lạ vào nhà
Cha mẹ giải thích với bé không được mở cửa, không cho người lạ mặt vào nhà khi ở nhà một mình. Cha mẹ cũng nên chú ý không cho trẻ đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của bố mẹ.
10. Tránh kết bạn trên mạng
Cha mẹ hãy dạy trẻ phải nhớ không được nói với người lạ, kể cả trẻ con, số điện thoại, địa chỉ, hoặc tên của mình. Bé không được gửi hình ảnh của mình cho người bạn trên mạng cũng như không được gặp riêng người lạ quen trên mạng. Khi bố, mẹ cho phép mới được dùng điện thoại, máy tính.