Trường học vùng cao giữ chân học trò bằng bức tranh sắc màu
Để thu hút học sinh đến lớp, giáo viên mầm non vùng cao sáng tạo, biến bờ tường đơn điệu thành bức tranh đầy màu sắc. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động để các em “vui mà học”.
Giáo viên trang trí lớp học đầy màu sắc để cuốn hút, giữ chân học trò.
Trẻ em đến trường đúng độ tuổi
Sáng ở xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) sương mờ bao phủ. Rẽ màn sương dày đặc từng đám trẻ nhỏ rảo bước tới trường. Như mọi ngày, sáng nay Y Luyến (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học xã Mường Hoong) cõng em trai A Thuyên (4 tuổi) đến lớp học. Bố mẹ đi làm nương rẫy nên hàng ngày Y Luyến đưa em đến Trường Mầm non xã Mường Hoong rồi trở về lớp của mình.
“Bố mẹ đi làm từ sáng sớm nên mỗi ngày em dậy lúc 5 giờ 30 phút nấu cơm để mang ra lớp. Đến trưa 2 chị em cùng ăn. Chiều em lại cõng em trai về nhà. Em cõng mãi nên quen rồi, không còn thấy nặng nữa”, Y Luyến tâm sự.
Y Luyến và A Thuyên là một trong những học sinh chăm chỉ đến lớp mà không cần thầy cô đến nhà vận động. Tuy nhiên, một số em khác lại “ngại” đến trường, đặc biệt là những ngày mưa bão. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mình nên giáo viên thường xuyên phải tuyên truyền, vận động. Để kéo học trò đến trường, đặc biệt là học sinh mầm non, giáo viên nơi đây chú trọng trang trí trường lớp và tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá nhằm thu hút các em.
Cô Đỗ Thị Hồng Nở, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mường Hoong cho biết: Trường có 12 điểm đặt tại 10 thôn trên địa bàn xã. Trong đó, điểm trường thôn Đăk Bối và Ngọc Lâm xa và khó khăn nhất. Đặc biệt vào mùa mưa, giáo viên và học sinh rất khó khăn khi di chuyển.
Theo cô Nở, học sinh nơi đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Bố mẹ quanh năm làm nương rẫy nên ít quan tâm đến việc học của con mình. Chính vì vậy, giáo viên thường xuyên động viên để phụ huynh tạo điều kiện cho con em ra lớp. Qua thời gian kiên trì vận động, đến nay đa số trẻ em ở các thôn làng đều đến trường đúng độ tuổi.
Tuy nhiên, theo cô Nở, việc vận động các em ra trường đã khó, việc giữ chân các em ở lại học tập cũng là vấn đề rất nan giải với giáo viên cùng cao. Chính vì vậy, nhà trường chú trọng trang trí trường, lớp bằng hình ảnh gần gũi đầy sắc màu. Qua đó, giúp học sinh “chơi mà học, học mà chơi” và giữ chân học trò đến trường.
Giáo viên và học sinh Trường Mầm non xã Mường Hoong.
Học sinh biến hoá thành nhiều nhân vật
Cô Y Mảnh (giáo viên lớp 4, 5 tuổi), Trường Mầm non xã Mường Hoong cho hay: Học sinh vùng cao đa số tự ti, ngại giao tiếp. Do đó, giáo viên đặc biệt chú trọng giáo dục học sinh thông qua tranh ảnh, hoạt động tập thể.
Theo cô Y Mảnh, hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, nhà trường chú trọng vẽ tranh về các y bác sĩ, bộ đội… chống dịch lên tường để hướng dẫn học sinh cách bảo vệ bản thân. Trong khuôn viên sân trường, thầy cô giáo còn vẽ lên những bức tường hình ảnh văn hóa các dân tộc, hướng dẫn các em nói lời hay, làm việc tốt… Qua đó, các em có thêm trải nghiệm, sáng tạo trong giờ ra chơi và các tiết học vận động ngoài trời.
Cũng theo cô Y Mảnh, nhà trường còn triển khai “Góc địa phương”. Tại đây trưng bày những đồ dùng gần gũi, thường nhật của người dân, như: Gùi, giỏ… đan bằng mây, nứa mà giáo viên sưu tầm. Qua đó, giới thiệu cho học sinh biết và hiểu được giá trị, chức năng của từng đồ vật và văn hoá truyền thống dân tộc.
“Bên cạnh tô vẽ, điểm thêm sắc màu cho khuôn viên trường, lớp, giáo viên còn làm “Góc kĩ năng” để giáo dục học sinh cách tự lập. Thông qua đây, tôi hướng dẫn các em cách vệ sinh cá nhân, buộc dây giày… Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động để học sinh được hoá thân thành nhiều nhân vật khác nhau, như: Mẹ, cô giáo, học sinh, người nông dân… để phân biệt giới tính. Đồng thời dạy cho trẻ biết bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh và có ý thức, trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội”, cô Y Mảnh chia sẻ.