Trẻ từng bị tay chân miệng sau đó vẫn có thể nhiễm bệnh vì lý do này
Bệnh tay chân miệng có thể tái phát trở lại trên một bệnh nhân, cả người lớn cũng có thể bị lây.
Nhiều phụ huynh thắc mắc rằng, trẻ đã bị mắc bệnh tay chân miệng bị lại thì nghiêm trọng hơn lần trước không? (Ảnh minh hoạ)
Trẻ đã bị tay chân miệng vẫn có thể mắc bệnh trở lại
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có thể lây thành dịch lớn do dễ lây lan.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại cho rằng con mình đã mắc bệnh tay chân miệng rồi, cơ thể đã có sức đề kháng với virus tay chân miệng nên không thể bị lại.
Liên quan đến vấn đề này, các bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm cho biết, trẻ có thể bị mắc bệnh tay chân miệng lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trẻ sẽ tạo miễn dịch đối với loại siêu vi đó và có miễn dịch đối với siêu vi đó. Nhưng vì bệnh này do nhiều loại siêu vi như trên gây ra, nên trẻ có thể mắc bệnh lại (không phải tái phát mà là nhiễm một loại siêu vi khác), theo VnMedia.
Một số người cho rằng, trẻ mắc bệnh tay chân miệng lần sau thường bị nhẹ hơn so với lần mắc bệnh trước đây vì trẻ đã mắc bệnh ít nhiều sẽ có kháng thể giúp tiêu diệt mầm bệnh nếu bị nhiễn lần tiếp theo. Một số người khác lại cho rằng, trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng lần sau thường bệnh nặng hoặc nghiêm trọng hơn lần trước vì cơ thể trẻ quá yếu nên mới bị tái nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần.
Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay: “Bệnh tay chân miệng có thể tái phát nhiều lần nếu bé tiếp xúc với người bị tay chân miệng. Mức độ nguy hiểm bệnh sẽ tùy thuộc vào độc lực của siêu vi gây bệnh và cơ địa của từng bệnh nhân. Các lần mắc bệnh tay chân miệng khác nhau đều có cùng một biểu hiện như nhau: Loét miệng, sang thương ở lòng bàn tay, bàn chân”, theo Vnexpress.
Các chuyên gia dịch tễ từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhận định, thách thức lớn nhất hiện nay đối với giới chuyên môn là vẫn chưa xác định chính xác về độc tính của chủng virus EV71, về sự tương quan giữa chủng virus E71 và các chủng vi rút khác gây bệnh tay chân miệng cho con người với mức độ nghiêm trọng của bệnh, cần tiếp tục thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học sâu hơn trong cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.
Cách phòng ngừa để trẻ không bị tái bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có vacxin dự phòng. Vì vậy biện pháp ngừa bệnh tốt nhất hiện nay là:
- Thường xuyên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Luôn quan tâm chăm sóc trẻ, không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi, bò lê la dưới đất.
- Giữ gìn vệ sinh môi tường sạch sẽ. Hàng ngày rửa sạch đồ chơi cũng như vật dụng của bé, khu vực sinh hoạt bằng nước và xà phòng hoặc các chất lau sàn thông thường. Nếu có điều kiện nên lau bằng nước javen (nước tẩy trắng quần áo pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên nhãn chai).
- Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học tại nhà, cách ly từ 10 - 14 ngày, để hạn chế lây bệnh cho trẻ khác.
Xem thêm lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày