Trẻ bị xâm hại tình dục: Những trải nghiệm kinh hoàng có thể tác động tiêu cực đến ADN

21-05-2019 07:01:50

Thời gian qua, hàng loạt những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục, thậm chí dẫn tới mang thai đã được báo chí đưa tin, gây bức xúc trong toàn xã hội.


Hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại tình dục là trẻ tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường (Ảnh minh họa: internet)

Lời tòa soạn: Những bé gái bị xâm hại dẫn đến mang bầu đang là hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh, cha mẹ, nhà trường về cách chăm sóc và dạy dỗ con mình. Nhiều câu chuyện dậy sóng dư luận, thực trạng đau lòng khi các em bé gái phải gánh chịu, cũng như giải pháp nào để cha mẹ bảo vệ con trước những mối nguy đang rình rập?. Tuyến đề tài của chúng tôi phần nào giải đáp cho những câu hỏi đang gây bức bối cũng như góp tiếng nói về thực trạng đáng báo động hiện nay.

Xem thêm:

Bài 1: Từ những đứa trẻ mang bầu đến các vụ xâm hại trẻ gây rúng động 

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì con số thống kê số hàng ngàn vụ xâm hại tình dục trẻ em vào năm 2018 là 1.269 vụ chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, còn rất nhiều các vụ việc khác không được phanh phui.

Dư luận có thể bức xúc, phẫn nộ, đòi trừng trị những kẻ xấu xa đã hại đời trẻ em. Tuy nhiên, những bức xúc đó rồi cũng sẽ có thể qua đi, còn lại những đứa trẻ với những nỗi đau trầm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần thì không thể nguôi ngoai.

Trẻ bị xâm hại có thể tác động tiêu cực đến ADN

Trẻ em bị xâm hại tình dục sẽ bị tổn thương nặng nề cả thể chất và tinh thần. Do cơ thể các em chưa được phát triển hoàn thiện, vì thế các em sẽ phải chịu nhiều đau đớn về thể xác, bị cào xé, đau đớn khôn nguôi về tinh thần và thậm chí có thể tử vong. Ngoài ra, các em sau khi bị xâm hại phải còn gánh chịu nguy cơ hết sức nguy hiểm đó là lây lan các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS.

Như vụ việc bé gái 9 tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội) bị Nguyễn Trọng Trinh (31 tuổi) xâm hại vào tháng 2/2019. Giám định thương tích ban đầu cho thấy cháu Q. bị gãy xương hàm dưới, rạn xương tay phải, rách màng trinh và tổn thương vùng kín nặng nề.

Đáng nguy hại với các bé gái đó là việc bị xâm hại tinh dục có thể khiến các em mang thai ngoài ý muốn gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi vì cơ thể các em chưa phát triển hoàn chỉnh hoặc là nguyên nhân dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ sinh sản và hạnh phúc gia đình của các em về sau. 

Nhiều trường hợp xâm hại tình dục đi kèm với bạo lực đã dẫn tới việc trẻ bị cắt toàn bộ tử cung, vĩnh viễn không thể làm mẹ. Thậm chí đã có vụ việc dẫn tới tử vong. Những nỗi đau về thể xác kể trên theo thời gian có thể chữa lành nhưng nỗi đau về tinh thần có thể dai dẳng đeo bám đứa trẻ đến suốt cuộc đời. 

Nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, sợ sệt, thu mình lại. Có những bé còn xuất hiện các ảo giác bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại,...). Nghiêm trọng hơn, sau khi bị xâm hại tình dục không ít em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Các em rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy bế tắc. 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard và Đại học British Columbia (UBC) đã chỉ ra rằng những trải nghiệm tiêu cực như lạm dụng tình dục thậm chí có thể tác động tiêu cực đến ADN, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về ung thư, bệnh lí về tim mạch, hô hấp cao hơn những trẻ không bị xâm hại.


Bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng xâm hại tình dục trong xã hội hiện nay

Mặc dù nạn nhân các vụ xâm hại tình dục trẻ em có tới 82% là trẻ gái, chỉ có 18% là trẻ trai nhưng hậu quả để lại với các em nam cũng vô cùng nặng nề. 

Điển hình như vụ việc xảy ra vào cuối năm 2018, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn - Đinh Bằng My bị tố xâm hại, lạm dụng tình dục đối với hàng chục học sinh nam học tại trường cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tình trạng xâm hại trẻ nam. 

Hậu quả của xâm hại tình dục trẻ nam rất nặng nề. Trẻ nam thường bị xâm hại qua đường hậu môn trực tràng. Khi cơ thể trẻ vẫn còn chưa phát triển, bị cưỡng bức, xâm hại mạnh quá có thể dẫn đến rách trực tràng gây nhiễm trùng trầm trọng. Đồng thời trẻ cũng có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV.

Bên cạnh đó, khi trẻ bị cưỡng bức, đau đớn, xấu hổ, trẻ thường có xu hướng lệch lạc hành vi tính dục, thường thủ dâm, học tập sa sút, sợ gặp người lạ, mất ngủ, hay gặp ác mộng. Khi các em bị tổn thương tâm lý nặng, nếu không phát hiện kịp thời để điều chỉnh về tâm sinh lý thì sau này có nguy cơ lệch lạc giới tính hoặc trở thành người có xu hướng tình dục đồng giới, tạo mầm mống xuất hiện các xử sự trái pháp luật hoặc các em rất dễ đi vào con đường tội phạm hoặc giết người.

Làm gì để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại tình dục?

Để giảm thiểu vấn nạn này, theo bác sĩ An điều quan trọng là cần nâng cao vai trò giáo dục gia đình, các bậc cha mẹ phải có ý thức luôn quan tâm bảo vệ sự an toàn cho con em mình, đồng thời phải dạy cho các em biết các kiến thức cơ bản về giới tính càng sớm càng tốt và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. 

Cha mẹ cần sớm cung cấp cho trẻ em những kiến thức cơ bản nhất về giới tính, dạy cho trẻ em biết rằng không ai được chạm vào “chỗ riêng tư” của trẻ. Trang bị cho con biết cách phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. 

Cần dạy trẻ không bao giờ được đi vào chỗ kín, nơi vắng vẻ với bất kỳ ai nếu không có sự đồng ý của bố mẹ. Không cho trẻ ăn mặc hở hang vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý xấu.

Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con cái về những vấn đề tế nhị. Khuyến khích con đặt câu hỏi về các vấn đề khác nhau trong cuộc sống cũng như câu hỏi về những vấn đề sâu kín. Đồng thời quan tâm, để ý đến cử chỉ, lời nói, hành vi của con hàng ngày giúp sớm nhận biết được những dấu hiệu bị xâm hại để xử lý kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng.

Khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục, gia đình cần gọi điện thoại cho Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và kịp thời trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết.

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN //