Toàn cầu có hơn 2,6 triệu ca nhiễm Covid-19
Cập nhật tình hình dịch ngày 23/4, thế giới ghi nhận 60.075 người nhiễm và 5.977 trường hợp tử vong so với một ngày trước.
Ảnh minh họa
Tình hình dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 210 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 2.620.579 ca nhiễm nCoV, trong đó 182.903 người tử vong, tăng lần lượt 60.075 và 5.977 trường hợp so với một ngày trước. 709.541 người đã bình phục.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 846.982 ca nhiễm và 46.609 người chết, tăng lần lượt 23.725 và 1.804 trường hợp. Đất nước này vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì sự bùng phát của virus corona chủng mới.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 435 người chết vì nCoV, tăng nhẹ so với hôm qua, nâng số ca tử vong toàn quốc lên 21.717. Số ca nhiễm tăng thêm 4.211 trường hợp lên 208.389.
Tại Anh, Cục thống kê quốc gia Anh đã công bố dữ liệu điều chỉnh về tổng số ca tử vong vì virus corona chủng mới ở nước này tính tới ngày 10/4 lên 13.121 người, tăng hơn 41% so với các báo cáo trước đây (9.288 người).
Nhà chức trách giải thích, sự chênh lệch là do cơ quan y tế ban đầu chỉ thống kê những trường hợp thiệt mạng tại các bệnh viện sau khi có kết quả dương tính với virus. Cách thống kê mới phản ánh mọi trường hợp thiệt mạng có giấy chứng tử vì mắc Covid-19, kể cả những ca nghi nhiễm, bất kể họ qua đời tại bệnh viện hay bên ngoài những cơ sở này.
Pháp xác nhận thêm 1.827 ca nhiễm và 544 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 159.877 và 21.340, trở thành vùng dịch thứ tư báo cáo số người chết vượt 20.000.
Italy ghi nhận 3.370 ca nhiễm và 437 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 187.327 và 25.085.
Iran hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì sự bùng phát của virus corona chủng mới ở Trung Đông. Nước này ghi nhận thêm 94 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 9 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng tổng số người chết lên 5.391.
Tính tới nay, Singapore ghi nhận 9.125 ca nhiễm Covid-19 với 11 ca tử vong và 839 người bình phục. Giới chức Singapore thừa nhận, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ở mức báo động và Singapore cần các biện pháp mạnh để có thể "phá vỡ" chuỗi lây nhiễm cả trong cộng đồng và tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài. Giới quan sát nhận định, với điều kiện sống chật chội tại các khu nhà dành cho lao động nước ngoài, trong khi có tận 323.000 lao động sinh sống, số ca nhiễm trong cộng đồng này có thể lên tới 5%, khoảng 15.000 người.
Ngày 22/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 30 ca nhiễm SARS-CoV-2 và không có ca tử vong nào. Như vậy, tính đến hết ngày 21/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận 82.788 người mắc Covid-19, trong đó 77.151 bệnh nhân xuất viện sau khi bình phục và 4.632 người tử vong.
Ngày 22/4, Thái Lan ghi nhận thêm 15 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm virus trên cả nước lên 2.826 người và số trường hợp tử vong hiện là 49. Số lượng các ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận theo ngày tiếp tục giảm cho thấy "đường cong dịch tễ" ở Thái Lan đang trở nên thẳng ra và có thể mở đường cho khả năng Chính phủ nới lỏng một số hạn chế do các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc.