Tin mới nhất về sức khỏe cháu bé bị chó cắn lóc da đầu, mất 2 tai ở Thanh Hóa

06-05-2019 16:18:43

Bệnh viện Việt Đức đã thông tin với báo chí về tình trạng sức khỏe bệnh nhi 12 tuổi bị chó cắn nghiêm trọng ở Thanh Hóa.


Cháu bé bị chó cắn lóc da đầu, mất 2 tai ở Thanh Hóa hiện đang được điều trị tại bệnh viện Việt Đức. Ảnh: D.Hải.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình -Thẩm mỹ của Bệnh viện Việt  Đức, bệnh nhi  N.V.Th. (12 tuổi, trú xã Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng trên người có nhiều vết thương rất nặng, bị lóc toàn bộ da đầu, lộ xương sọ, dập nát hai bên tai, tổn thương vùng mặt, cùng nhiều vết thương khắp người.

PGS Hà cho biết, nếu không kịp thời vá da che đi phần sọ có thể dễ dẫn đến viêm xương, nhiễm trùng, hoại tử xương sọ. Đây là vết thương hàm mặt da đầu phức tạp, dù đã tạm thời mổ cấp cứu để vá víu các phần tổn thương bên ngoài nhưng hiện các bác sĩ vẫn còn theo dõi chấn thương sọ não vì có dấu hiệu vỡ xương nền sọ. 

Trước khi mổ cấp cứu, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình -Thẩm mỹ đã phải mời các bác sĩ nhiều chuyên khoa khác, phối hợp để chẩn đoán chính xác tổn thương của trẻ. Phần nặng nhất can thiệp cấp cứu là vết thương mặt và lóc da đầu cùng mất 2 tai.

Sau 4 ngày mổ cấp cứu, bệnh nhi hiện đã tỉnh táo, có thể giao tiếp được tuy vẫn còn hơi mệt. Cháu đã cử động được chân tay, đang được cho tập ăn. 

Các bác sĩ hiện đang theo dõi sát sao tình trạng sọ não, ổ bụng cho bệnh nhi. Trẻ tiếp tục được dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, thuốc chống phù nề, chống viêm, và theo dõi đánh giá xem những phần da đã vá lại, cố gắng che phủ phần xương sọ trên đầu bị lộ ra xem có sống được không và sống được bao nhiêu để có kế hoạch tái tạo da đầu.

Với phần tai bị chó cắn mất, PGS. Nguyễn Hồng Hà cho biết, nếu trẻ sớm bình phục thì trong vòng 3- 6 tháng có thể dùng chất liệu tự thân hoặc chất liệu nhân tạo để tái tạo tạo hình tai cho trẻ.Hiện nay có kỹ thuật mới lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam đó là sử dụng khung sụn tai nhân tạo thay cho sụn sườn tự thân. Chỉ với một lần phẫu thuật, trẻ có được phần tai gần như bình thường không cần đợi đến 10-12 tuổi và không phải trải qua hai lần phẫu thuật.

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //