Thực hư thông tin “cụ sưa” 200 năm tuổi được định giá 50 tỷ đồng
Đại diện UBND xã Hạ Mãn lên tiếng khẳng định thông tin cây sưa 200 năm tuổi tại đình làng Đông Cốc được hỏi mua giá 50 tỷ đồng là thông tin ảo, không có thật.
Liên quan đến vụ việc cây sưa 200 năm tuổi ở đình làng Đông Cốc (xã Hạ Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) từng khiến dân làng đổ máu được bán cho đại gia đất gỗ Đồng Kỵ với giá 26 tỷ đồng gây xôn xao dư luận thời gian qua, chiều ngày 26/3, PV Đời sống Plus đã có cuộc trao đổi với đại diện UBND xã Hạ Mãn để tìm hiểu thêm những thông tin xoay quanh việc trước đây cây sưa từng được hỏi mua với giá 50 tỷ đồng.
Như thông tin PV tìm hiểu trước đó, vào cuộc đấu giá công khai cây sưa 200 tuổi diễn ra vào ngày 1/8/2016, ông Nguyễn Văn Hùy – một đại gia đất gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã vượt qua nhiều đại gia khi quyết định chi ra số tiền 24,5 tỷ đồng để sở hữu cây sưa nói trên.
Thông tin cây sưa 200 năm tuổi ở đình làng Đông Cốc được định giá 50 tỷ là thông tin ảo.
Cũng trong ngày 7/12/2016, UBND xã Hạ Mãn đã tiến hành tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch hạ giải cây sưa 200 năm tuổi để giao cho người trúng đấu giá.
Thế nhưng, khi cuộc họp vừa bắt đầu thì xuất hiện một số đối tượng đến gây rối dẫn đến vụ ẩu đả khiến một người dân làng phải đổ máu.
Nguyễn nhân của vụ việc được xác định là do trước đây đã có một vị đại gia khác đến hỏi mua cây sưa với giá 50 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều đối với giá 24,5 tỷ mà đại gia Nguyễn Văn Hùy trả trong phiên đấu giá trước đó.
Trao đổi với PV liên quan đến thông tin cây sưa từng được trả giá lên đến 50 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hạ Mãn cho biết thực chất đây chỉ là thông tin ảo, không có tính xác thực.
Trải qua nhiều khúc mắc liên quan, đến ngày 25/3, cây sưa 200 năm tuổi đã chính thức thuộc quyền sở hữu của đại gia Nguyễn Văn Hùy với giá 26 tỷ.
“Trước đó, quả thực cũng có một nữ đại gia tên Nguyễn Thị Hợp đến hỏi mua cây sưa với giá 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, việc mua bán, kí kết hợp đồng bán cây sưa lại không được sự đồng ý của lãnh đạo cấp trên”, ông Hiến thông tin.
Cụ thể, theo như lời ông Hiến, cây sưa tại đình làng Đông Cốc là một di tích đã được xếp hạng thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hơn nữa, đây là loại cây có tên trong sách đỏ nên nếu muốn khai thác và sử dụng bắt buộc phải có sự đồng thuận và cho phép của các cấp chính quyền.
Tuy nhiên, trước đó, Ban quản lý thôn Đông Cốc đã không hề có bất cứ văn bản nào xin phép cơ quan chức năng mà tự ý ký hợp đồng bán cây sưa này cho bà Nguyễn Thị Hợp với cái giá 49 tỷ đồng.
“Việc này là hoàn toàn sai so với quy trình làm việc cũng như quy định của pháp luật. Sau vụ việc này, UBND xã cũng đã nhận được ý kiến chỉ đạo của cấp trên nghiêm khắc kiểm điểm các cá nhân sai phạm”, ông Hiến thông tin.
"Việc đấu giá, giao nộp tiền cũng được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật", Chủ tịch UBND xã Hạ Mãn thông tin.
Chủ tịch UBND xã Hạ Mãn cũng cho biết bà Hợp chỉ kí hợp đồng bằng miệng và đấu giá ảo chứ chưa hề có một đồng tiền nào để đặt cọc.
“Khi UBND xã nhận được quyết định phê chuẩn của lãnh đạo cấp trên về việc đồng ý cho bán đấu giá cây sưa và quyết định bán cho ông Hùy với giá 24,5 tỷ đồng thì bà Hợp đột nhiên xuất hiện đòi quyền sở hữu và nói rằng đã kí kết hợp đồng.
Tuy nhiên sau đó, địa phương đã tổ chức họp nhiều lần và mời bà Hợp đến đóng tiền đặt cọc thì vị này đều viện lý do này nọ và cho đến nay thì số điện thoại của bà này cũng không liên lạc được”, ông Hiến cho biết
Ông Hiến cũng thông tin thêm, không chỉ riếng bà Hợp mà trước đó, cây sưa tại đình làng Đông Cốc cũng có nhiều người đến để hỏi mua, thậm chí còn đặt cọc lại tiền nhưng rồi vì một lý do nào đấy nên việc mua bán không thực hiện được. Số tiền đặt cọc cũng được người dân địa phương rút ra tiêu hết.