Thế giới ghi nhận gần 14 triệu người nhiễm Covid-19
Thế giới đã gần 14 triệu người nhiễm Covid-19, tăng vọt kỉ lục số ca mới và người tử vong vẫn là Mỹ và Brazil.
Thế giới đã gần 14 triệu người nhiễm Covid-19.
Tính đến 6h sáng hôm nay, 16/7, thế giới đã ghi nhận gần 14 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 591.000 người chết vì đại dịch này, nhiều nơi phải tái siết chặt biện pháp kiểm soát để ngăn Covid-19 lây lan. Cụ thể, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 13.916.980 ca nhiễm và 591.556 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 259.545 và 6.025 trong 24 giờ qua.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 3.680.868 ca nhiễm và 140.957 người chết, tăng lần lượt 72.039 và 979 ca trong 24 giờ qua. Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu khuyến khích người dân thường xuyên đeo khẩu trang, thay đổi quan điểm 180 độ so với trước đây. Lãnh đạo nước này cũng cấm tàu du lịch tới tận tháng 9 khi số ca nhiễm trên các tàu cứ tăng vọt mỗi ngày.
Các trường học tại nhiều địa phương đã quyết định tổ chức học trực tuyến, thay vì yêu cầu học sinh trở lại trường khi năm học mới bắt đầu sau vài tuần nữa, bất chấp áp lực từ Tổng thống Donald Trump. Bang California thậm chí tái đóng cửa phần lớn cơ sở kinh doanh chỉ sau một tháng mở lại.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo con số khủng thêm 41.242 ca nhiễm và 1.165 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.012.151 và 76.688. Toàn bộ trường học vẫn phải đóng cửa và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn dương tính Covid-19 sau khi xét nghiệm lần hai, dù ông đã dùng thuốc trị sốt rét sau một tuần nhiễm nCoV. Văn phòng báo chí của Tổng thống cho biết Bolsonaro vẫn cách ly tại Dinh Alvorada và làm việc từ xa.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới cũng báo cáo thêm 35.468 ca nhiễm và 680 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.005.637 và 25.609. Phần lớn ca nhiễm tại Ấn Độ tập trung ở Mumbai và New Delhi. Tuy nhiên, virus cũng đang lây lan tại những thành phố nhỏ hơn, buộc chính quyền địa phương phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 167 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 11.937. Số ca nhiễm tăng 6.424, lên 752.797, đánh dấu ngày thứ 21 liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Chính phủ Nga thông báo đã kiểm soát được đại dịch nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu. Một số hạn chế, bao gồm lệnh cấm các chuyến bay quốc tế, sẽ duy trì đến tháng 8 nhưng nhiều biện pháp đã được nới lỏng. Các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa được phép mở lại nhưng cần tuân thủ các chỉ thị về giãn cách xã hội. Rạp hát ở Moskva sẽ mở lại từ 1/8 sau 4 tháng đóng cửa nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất.
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nhưng được cho là đã kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, mới đây, nước này lại thông báo ca nhiễm và ca tử vong lần lượt là 305.935 và 28.416, tăng 1.361 và 3 trường hợp trong 24 giờ. Vùng tự trị Catalonia và quần đảo Balearic, hai nơi thu hút du khách hàng đầu của đất nước, ra quy định người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, bất kể trường hợp nào.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 81.668 ca nhiễm, tăng 1.574 trường hợp so với hôm trước, trong đó 3.873 người chết, tăng 76 ca. Tổng thống Joko Widodo cho biết đại dịch tại Indonesia có thể đạt đỉnh vào tháng 8 hoặc tháng 9, muộn hơn 2-3 tháng so với dự báo trước đó. Ông nói thêm rằng đang thúc đẩy nội các hoạt động tích cực hơn nhằm kiềm chế nCoV. Chính phủ đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm hướng dẫn y tế, như không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, ghi nhận 61.266 người nhiễm và 1.643 người chết, tăng lần lượt 2.498 và 29 trường hợp trong 24 giờ. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 47.126 người nhiễm, tăng 248 ca, trong đó 27 người chết.
Riêng Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19 và được đánh giá là những quốc gia kiêm soát tốt đại dịch.