Tây Nguyên ghi nhận 14 ca tử vong do bệnh dại năm 2020
Tính tới thời điểm hiện tại, toàn khu vực Tây Nguyên đã thực hiện tiêm 5.645 lượt vaccine phòng dại và 677 lượt huyết thanh kháng bệnh dại.
Khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 14 ca mắc bệnh dại. Ảnh minh họa
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 14 ca mắc và 14 ca tử vong do dại, cao hơn cùng kỳ năm 2019 là 5 ca mắc, 5 ca tử vong. Trong đó, Đắk Lắk 5 ca, Đắk Nông 3 ca, Gia Lai 5 ca, Kon Tum 1 ca. Hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị động vật cắn.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, để đảm bảo an toàn, phòng chống bệnh dại, toàn khu vực Tây Nguyên đã thực hiện tiêm 5.645 lượt vaccine phòng dại và 677 lượt huyết thanh kháng dại.
Bệnh dại do Rhabdovirus, là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm. Về mặt lý thuyết, sự lây truyền từ người bệnh sang người lành có thể xảy ra thông qua nước dãi của người bị bệnh có chứa virus dại. Nhưng trên thực tế, chưa có tài liệu nào ghi nhận.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải tiềm vaccine dại, có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn từ các nước nhiệt đới.
Tại Đông Nam Á, hàng năm, tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Chó là ổ chứa virus dại chủ yếu chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo 3 - 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút,nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch -đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.