Tài xế lái xe Mercedes truy sát, tông chết người ở Phan Thiết có thể đối diện khung hình phạt tội giết người?

13-05-2022 09:45:14

Tài xế lái ôtô Mercedes rượt đuổi, tông chết một người trước quán nhậu ở TP Phan Thiết đã ra đầu thú. Chuyên gia pháp lý cho rằng, có thể cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án về hành vi giết người và gây rối trật tự công cộng.

Tài xế lái ôtô Mercedes ra đầu thú

Thượng tá Trần Long Khánh, Trưởng Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết, chiều 12/5, đối tượng Phạm Văn Nam, 43 tuổi, từ TP HCM ra Phan Thiết đầu thú sau nửa ngày lái ôtô Mercedes rượt đuổi, tông chết một người trước quán nhậu.

Bước đầu, Nam khai, sáng 11/5 từ TP HCM ra Phan Thiết mua đất. Đến tối, ông này ăn ở quán thuộc phường Phú Thủy cùng nhóm bạn, sau đó rủ nhau ra bờ kè sông Cà Ty, phường Bình Hưng, tiếp tục uống bia.


Tài xế Phạm Văn Nam tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bích Thuận

Trên đường lái ôtô Mercedes chở bạn ra đó, Nam va quẹt với xe máy của nhóm người ở Phan Thiết.

Đến quán nhậu, Nam và hai người bạn vừa xuống xe thì bị nhóm đi xe máy đuổi tới gây hấn, đánh. Bực tức, ông này lên ôtô, đạp ga tông loạn xạ vào nhóm đối thủ. Những người dưới đường dùng bàn ghế, ly chén của quán nhậu ném vào ôtô.

Nam cho xe chạy lên lề, vòng xuống đường, rượt đuổi nhóm đối phương và tông ông Hà Xuân Hải, 43 tuổi, đang ngáng ở đầu xe. Nạn nhân tử vong sau đó.

Gây án xong, Nam phóng xe về TP HCM. Biết Công an TP Phan Thiết đang truy tìm, ông này gọi điện xin đầu thú, lái chiếc Mercedes từ Sài Gòn đến phục vụ điều tra.

Có thể khởi tố 2 hành vi?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với thông tin ban đầu như trên, có thể cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án về hành vi giết người và gây rối trật tự công cộng.

Theo ông Cường, quy định của pháp luật nêu rõ, xe ôtô và các phương tiện giao thông khác là nguồn nguy hiểm cao độ, người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy tắc tham gia giao thông đường bộ, hành vi bất cẩn trong quá trình tham gia giao thông có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Nếu cố ý sử dụng các phương tiện giao thông để gây ra các vụ tai nạn nhằm sát hại người khác, đây là hành vi giết người.

Trường hợp tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ, vô ý gây ra hậu quả chết người, người điều khiển phương tiện trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 bộ luật hình sự.

Còn nếu sử dụng phương tiện giao thông làm phương tiện để tước đoạt tính mạng của người khác, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra, đây là hành vi giết người, hành vi này có thể sẽ bị xử lý theo Điều 123 Bộ luật hình sự.

Bởi vậy, ở vụ việc trên, trường hợp kết quả điều tra cho thấy người điều khiển chiếc xe Mercedes có mục đích đâm xe vào nạn nhân, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả nạn nhân có thể tử vong, sẽ bị xác định là lỗi cố ý với mục đích nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

Hành vi này thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của tội "Giết người' theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

Vị chuyên gia cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến hành vi, làm rõ nguyên nhân sự việc, đồng thời xác định nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nếu kết quả điều tra cho thấy hành vi là cố ý đâm xe ôtô vào nạn nhân khiến hậu quả nạn nhân tử vong, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên khung hình phạt có thể sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, ông Cường còn cho biết, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hành vi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng trước đó hay không.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, sự việc do mâu thuẫn của nhiều người, gây mất an ninh trật tự, những người thực hiện hành vi gây mất an ninh trật tự, đánh nhau cũng sẽ bị xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Quang Trung
Theo Dân Việt //