Tại sao bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm, không thể chủ quan?
Bệnh sốt xuất huyết vẫn “nóng” ở các địa phương do số lượng người mắc không ngừng gia tăng.
Trong khi nhiều người rất quan tâm đến căn bệnh sốt xuất huyết, chủ động phòng tránh thì vẫn còn không ít người thờ ơ, sốt mà chỉ nằm nhà, không đi khám ngay, đến khi mệt li bì, xảy ra biến chứng mới đến viện.
Sốt xuất huyết nguy hiểm ở thoát huyết tương vô hình
BSCK II Nguyễn Hồng Hà (Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sốt xuất huyết nguy hiểm và khó điều trị ở chỗ thoát huyết tương vô hình (tức là có thoát huyết tương mà không nhìn thấy được).
Nếu như bị tiêu chảy thì người bệnh còn tả được đi ngoài mấy lần/ngày, phân lỏng ra sao. Quan sát người bệnh, bác sĩ sẽ thấy người hốc hác, sụt cân, da nhăn nheo, tức là dễ nhận biết tình trạng để điều trị.
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được theo dõi sát tình trạng. Ảnh: Dân sinh
Nhưng trong bệnh cảnh sốt xuất huyết, bệnh nhân vẫn tụt huyết áp, hạ khối lượng tuần hoàn nhưng chỉ thay đổi phân bố nước từ mạch máu ra các khu khác trong cơ thể. Vì thế nên nhìn bề ngoài, bệnh nhân không có thay đổi gì.
Ở bệnh nhân sốt xuất huyết, nếu không làm xét nghiệm, không có kinh nghiệm đánh giá thì không thể tự nhận biết dấu hiệu nguy hiểm. Đôi khi bệnh nhân tụt huyết áp mà bác sĩ cũng không thể nhận biết. Vì thế trong giai đoạn dễ xảy ra biến chứng (ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh), bệnh nhân phải được đánh giá theo dõi ở bệnh viện.
Nguy hiểm nếu sốt xuất huyết xảy ra trên nền bệnh khác
Theo BS Hà, giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết xuất hiện trong vòng 3-4 ngày. Trong giai đoạn ấy, bệnh nhân có thể chảy máu, thoát huyết tương gây giảm khối lượng tuần hoàn, sốc, tụt huyết áp. Ngoài ra là các biến chứng tổn thương nội tạng khác mà bệnh nhân có thể gặp phải.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm và điều trị ở rất nhiều bệnh viện. Sốt xuất huyết sẽ đặc biệt nguy hiểm khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên nền một số bệnh khác như nhiễm khuẩn, đái tháo đường, huyết áp cao...
Thực sự sốt xuất huyết là bệnh nặng không thể chủ quan. Ngay từ đầu, không thể nói sốt xuất huyết ở người này nặng, người kia không nặng mà phải theo dõi. Chỉ khi người bệnh hết sốt, không có biến chứng gì thì mới biết là bệnh nhẹ.
Bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ khi hết sốt, không có biến chứng thì mới biết là bệnh nhẹ. Ảnh: Dân sinh
Để tránh những ca tử vong đáng tiếc khi mắc sốt xuất huyết, theo BS Hà, quan trọng là chúng ta không được chủ quan. Bệnh nhân cần được chẩn đoán bệnh sớm. Nếu đúng là sốt xuất huyết thì các bác sĩ sẽ có phương cách điều trị, và việc theo dõi phải sát. Ngoài ra, bệnh nhân phải được chăm sóc đầy đủ cả về mặt dinh dưỡng.
Thống kê từ ngày 24/7 đến 30/7, toàn thành phố Hà Nội có thêm 2.305 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Hà Nội có 8.982 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Tại TP HCM, tính đến hết tháng 7/2017, toàn thành phố có 11.195 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện. Từ đầu năm đến nay đã có 4 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Có một đặc điểm ở các ca tử vong là bệnh nhân nhập viện trễ - khi đã có sốc - dẫn tới biến chứng suy đa tạng nên không thể cứu chữa.
Những lưu ý khi tự điều trị sốt xuất huyết. Nguồn: Youtube