Số hóa giáo dục đại học: Xu thế tất yếu

02-11-2020 15:22:27

Số hóa trong dạy và học là xu thế tất yếu của giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng. Đây không chỉ là giải pháp tạm thời khi xảy ra khi dịch bệnh mà là hướng đi góp phần giảm khoảng cách số trong giáo dục đào tạo CĐ, ĐH giữa các vùng miền, giữa các trường với nhau.

Nhiều trường đại học đã áp dụng số hóa trong dạy và học.

Theo các chuyên gia giáo dục, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của học sinh và phụ huynh. Xu hướng sử dụng công nghệ, cụ thể là các nền tảng trực tuyến trong môi trường giáo dục tăng lên đáng kể. Ngành công nghệ giáo dục có sự phát triển vượt bậc và nhu cầu cho các giải pháp học trực tuyến cũng tăng vọt.

Thông tin từ Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, dịch Covid -19 vừa qua, Việt Nam có tới gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước OECD là 67,15%. Tín hiệu đáng mừng này cho thấy cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục là rất lớn. Đặc biệt, với nền tảng chương trình chuyển đổi số là quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã ký năm nay, coi chuyển đổi số là lĩnh vực giáo dục ưu tiên số 1 thì ngành Giáo dục phải đi đầu về chuyển đổi số.

Có thể nói, hệ thống giáo dục trực tuyến phục vụ đào tạo sinh viên từ xa qua mạng và sinh viên chính quy như cách các trường đang làm hiện nay chính là cơ sở để xây dựng ĐH số hóa – tức là mọi hoạt động trong quy trình giảng dạy đều được xây dựng trên môi trường điện tử. Thậm chí, các hoạt động hỗ trợ sinh viên, các hoạt động thương mại trong trường học như dịch vụ về cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, phát triển các dịch vụ chuyển giao công nghệ cũng được thực hiện theo mô hình số hoá…

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GDĐT Tô Hồng Nam cho rằng chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Một số khó khăn, tồn tại cần tiếp tục được khắc phục, hoàn thiện như: thách thức về hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT (máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ Internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh… Bên cạnh đó, vẫn thiếu hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin khi thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số.

“Chỉ khi các nút thắt này được tháo gỡ mới thúc đẩy phát triển được hệ thống dữ liệu số, học liệu số đủ lớn (gồm cả dữ liệu mở), đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia nói chung và giáo dục đào tạo nói riêng” – TS. Tô Hồng Nam nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Văn Lang đề xuất cần tạo điều kiện tối đa cho các trường ĐH thực hiện mô hình thí điểm các giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ trong giáo dục; linh động thay đổi khung thời gian và phương pháp đào tạo vì lợi ích, đồng thời đẩy mạnh hợp tác công tư để có thể tối ưu hóa nguồn lực xã hội, chuyển từ cạnh tranh thành hợp tác cùng phát triển; một số trường ĐH lớn có tiềm lực phải khuyến khích triển khai công nghệ và kêu gọi đầu tư để có thể thay đổi, cạnh tranh và trở thành các trường ĐH lớn, kết nối người học bằng công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, Bộ GDĐT cân nhắc thay đổi một số quy định, để chính thức hoá tỷ lệ học trực tuyến, thí dụ 15-30% ngay cả khi không còn Covid-19. Bởi, học trực tuyến sẽ thúc đẩy nhanh chóng kỹ năng số của cả giáo viên, học sinh, cũng như thu hẹp khoảng cách chuyển đổi số giáo dục đào tạo giữa thành phố với vùng sâu vùng xa.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bộ TTTT cũng như toàn ngành TTTT cam kết đồng hành với Bộ GDĐT, bởi vì chuyển đổi số đầu tiên nên nhắm vào giới trẻ, để từ đó thúc đẩy toàn xã hội. Sắp tới, hai Bộ sẽ có buổi làm việc chuyên đề về chuyển đổi số ngành GDĐT, tận dụng cơ hội từ những thách thức của dịch Covid-19 để đẩy nhanh chuyển đổi số.

Thu Hương
Theo Đại đoàn Kết //